Theo Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP Hà Nội, khu vực được áp dụng quy chế này có diện tích hơn 3.880 ha, thuộc địa giới hành chính các quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần phía bắc quận Hai Bà Trưng và một phần phía nam của quận Tây Hồ. Quy chế cho phép hai bên đường vành đai, tuyến phố hướng tâm, tuyến phố chính, các khu vực điểm nhấn đô thị được xây dựng các công trình cao tầng, dưới sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ về quy hoạch, kiến trúc. Các công trình cao tầng phải kiểm soát quy mô dân số, quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị, giảm dần tầng cao, chiều cao công trình từ đường vành đai II vào trung tâm thành phố. Đáng chú ý, quy chế cho phép thực hiện các dự án tái thiết đô thị trên nền các khu chung cư, tập thể cũ, quỹ đất sau khi di dời các cơ quan, đơn vị, bệnh viện trong nội thành có quy mô diện tích từ 2 ha trở lên được xây dựng khu đô thị đồng bộ theo hướng cao tầng, mật độ thấp, tăng các không gian mở… Đây là những điểm rất mới về quy hoạch đô thị, tạo ra sự thay đổi rất lớn trong việc tháo gỡ bài toán cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố, được người dân đánh giá cao.
Anh Nguyễn Văn Thành, người dân sinh sống ở khu tập thể Quỳnh Mai, phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng chia sẻ, toàn bộ 36 tòa nhà trong khu tập thể đều đã xuống cấp, rất cần được cải tạo, xây dựng lại. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay các chủ đầu tư chỉ tập trung cải tạo nhà E6, E7 do nằm ở vị trí đẹp, mặt tiền rộng, dễ sinh lời, khiến người dân sinh sống tại các tòa nhà khác lo lắng sẽ bị “bỏ rơi”. Vì thế, quy chế quy định việc cải tạo chung cư cũ phải thực hiện đồng bộ cả dự án, từ mật độ xây dựng đến trường học, trạm y tế, cây xanh… làm người dân rất yên tâm, phấn khởi. Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm đánh giá, quy chế tạo ra bước đột phá mới về quy hoạch không gian trên cơ sở tầm nhìn đồng bộ các vấn đề như giảm áp lực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công khai tổ chức không gian để các chủ đầu tư dễ tiếp cận trong việc thực hiện dự án, xây dựng công trình. Khuyến khích phát triển nhà cao tầng, gỡ “nút thắt” trong cải tạo chung cư cũ khu vực nội đô, tạo diện mạo mới cho đô thị.
Tuy nhiên, việc cho phép xây dựng các công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử, nhất là tại các khu chung cư, tập thể cũ, vốn đang chịu nhiều áp lực về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khiến không ít người dân lo lắng sẽ gia tăng dân số, phá vỡ quy hoạch chung Thủ đô. Lo lắng này là hoàn toàn có cơ sở bởi trên địa bàn TP Hà Nội hiện có hơn 1.500 chung cư, khu tập thể cũ, trong đó phần lớn đều nằm trong khu vực nội đô lịch sử và đã hết niên hạn sử dụng. Thậm chí nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm phải tổ chức di dời để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Trong thời gian qua, thành phố đã có nhiều chính sách khuyến khích các nhà đầu tư tham gia cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ, cải thiện chỗ ở cho người dân. Nhiều nhà đầu tư đã rất quan tâm, nhưng kết quả thực hiện rất thấp, chỉ tương đương 1% số các chung cư cũ, trong đó nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ này là do quy định hạn chế tầng cao trong khu vực nội đô lịch sử.
Giải đáp băn khoăn này, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội Bùi Xuân Tùng cho biết, Quy chế thực chất là bước cụ thể hóa Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. Theo quy định quản lý, khu vực nội đô lịch sử là khu vực hạn chế phát triển. Tuy nhiên, hạn chế phát triển không có nghĩa là không xây dựng nhà cao tầng. Việc cho phép xây dựng công trình cao tầng sẽ không gia tăng dân số nội đô bởi việc kiểm soát dân số sẽ được tính toán tổng thể, căn cơ. Đối với các chung cư, tập thể cũ, việc cải tạo sẽ được thực hiện đồng bộ, tạo ra khu đô thị mới, hoàn chỉnh về không gian, thống nhất về hình thức kiến trúc, hạ tầng xã hội, kỹ thuật, khắc phục tình trạng manh mún về cải tạo chung cư cũ theo từng công trình như trước đây, thuận lợi cho việc kiểm soát dân số tại từng dự án.
Quản lý đô thị, trật tự xây dựng đang là vấn đề phức tạp, nóng bỏng đối với Thủ đô Hà Nội. Vì thế, việc ra đời Quy chế là rất cần thiết, góp phần quan trọng trong việc tăng cường hiệu quả quản lý đô thị, hạn chế vi phạm trật tự xây dựng, hạn chế cơ chế xin, cho trong việc triển khai các công trình. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực lớn, phức tạp, liên quan trực tiếp đến cuộc sống của nhiều người dân Thủ đô.Vì vậy, UBND thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các quận kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy chế; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đô thị, trật tự xây dựng. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình đầu tư, xây dựng công trình, dự án theo đúng quy chế được duyệt, tránh gia tăng dân số; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, thành phố cần tiếp tục có chính sách giảm mật độ dân số như khuyến khích người dân tự bố trí tái định cư khi cải tạo chung cư cũ, tăng hệ bồi thường, hỗ trợ nhà tái định cư cao hơn cho người dân nếu không tái định cư tại chỗ, di chuyển ra khu vực ngoại thành sinh sống; tái định cư bằng tiền để người dân tự lo chỗ ở…
Theo Nhân dân điện tử