Sáng 19/4, UBND TP Hà Nội đã tổ chức lễ công bố Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội.
Tại lễ công bố, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, Đề án Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội (tỷ lệ 1/500) được phê duyệt đáp ứng sự mong mỏi của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, làm cơ sở phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, cụ thể hóa những định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Để triển khai nội dung Quy hoạch, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý đề nghị các Sở, ban, ngành Thành phố tập trung lập, trình duyệt, triển khai các dự án, kế hoạch Bảo tồn, tôn tạo các hạng mục di tích; lập chương trình giới thiêu, đề cương trưng bày cũng như lựa chọn hiện vật hiệu quả, khoa học, dễ tiếp cận.
Tiếp theo, các đơn vị cần tập trung cải tạo, trùng tu các di tích chính trên trục chính tâm cùng với việc chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, chuyển đổi chức năng các công trình cho phù hợp với công năng sử dụng mới của khu di sản. Đồng thời, khai thác, phát huy giá trị của khu di tích phục vụ học tập nghiên cứu, tham quan, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực quản lý khu Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Quy hoạch Trung tâm Hoàng thành Thăng Long gồm 3 nội dung: Đồ án quy hoạch; Đề án bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị; Quy chế quản lý đầu tư xây dựng với mục tiêu bảo tồn, tôn tạo, khai thác phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục cộng đồng, du khách tham quan, du lịch, nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn phát huy giá trị di sản văn hoá thế giới, xây dựng không gian văn hoá cộng đồng hài hoà về cảnh quan kiến trúc, bảo đảm về hạ tầng kỹ thuật trong tổng thể khu Trung tâm chính trị Ba Đình. Là cơ sở để xây dựng quy chế, đề án quản lý tổng thể Khu di tích và triển khai công tác đầu tư các dự án thành phần.
Quy hoạch được triển khai thực hiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần phát huy các giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật, quy hoạch kiến trúc đô thị đặc sắc của dân tộc. Đồng thời, bảo tồn và tôn vinh được hình ảnh của khu Kinh đô lịch sử, hoàn thiện không gian kiến trúc cảnh quan cho khu Trung tâm chính trị Ba Đình, để khu di ích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội mãi là tài sản vô giá của cha ông để lại cho nhân loại, mãi là niềm tự hào không chỉ mỗi người dân Thủ đô mà là của đất nước, con người Việt Nam.
Tiếp theo, các đơn vị lập, trình duyệt và triển khai kế hoạch bảo tồn, tôn tạo các hạng mục di tích, di sản các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể; lập chương trình giới thiệu, đề cương trưng bày, lựa chọn hiện vật khoa học và dễ tiếp cận để khai thác, phát huy giá trị của Khu di tích phục vụ học tập, nghiên cứu, tham quan, du lịch.
Các hạng mục được tập trung cải tạo, trùng tu là các di tích trên trục chính trung tâm như Kỳ Đài; Đoan Môn; nền và thềm điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn; chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, chuyển đổi chức năng các công trình cho phù hợp với công năng sử dụng mới của khu di sản.
Theo chinhphu.vn