Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam thống kê trong quý I/2016, xi-măng, sắt, thép… là nhóm hàng có sức tiêu thụ tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2015.
Gạch xây dựng có sự phục hồi rõ nét
Ông Trương Phú Cường, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP. Hồ Chí Minh nhận định, thị trường BĐS ở TP. Hồ Chí Minh từ giữa năm 2015 đến nay đã có sự phục hồi. Hầu hết các dự án xây dựng đều đang cấp tập tiến hành và từng bước đi vào hoàn tất. Điều này tác động tích cực đến thị trường vật liệu xây dựng.
Hầu hết các DN trong lĩnh vực này đều tăng tốc, tận dụng thời cơ thuận lợi, nhất là hiện đang vào mùa nắng-mùa cao điểm cho việc xây dựng. Mặt khác, trên cả nước, các công trình hạ tầng kỹ thuật như giao thông, thủy điện, nhà ở xã hội, cầ̀u đường… đều cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Vì vậy nhu cầu vật liệu xây dựng, nhất là các sản phẩm chính như xi măng, sắt, thép… tăng mạnh.
Tại TP. Hồ Chí Minh, trong quý I/2016 nhiều nhóm ngành vật liệu xây dựng tăng cả về giá và lượng tiêu thụ. Theo Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh, quý I/2016, thị trường BĐS thành phố đã có sự tăng trưởng rất mạnh trong tất cả các phân khúc, đều khắp trên địa bàn các quận, huyện. Giao dịch trong quý I/2016 ổn định ở mức bán được khoảng 9.000 căn hộ trong tổng số khoảng 57.000 căn dự kiến chào bán trong năm 2016.
Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam thống kê trong quý I/2016, xi-măng, sắt, thép… là nhóm hàng có sức tiêu thụ tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2015. Nhóm hàng gạch xây dựng, sứ vệ sinh có sự phục hồi rõ nét, bất chấp phải cạnh tranh với sản phẩm Trung Quốc giá rẻ.
Các thương hiệu của Việt Nam như Đồng Tâm, Thiên Thanh, Đại Thành, Toàn Mỹ… hiện là ưu tiên lựa chọn của người tiêu dùng. Trong đó, có đến 70% dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư sử dụng nhóm sản phẩm này của DN trong nước.
Tại TP. Hồ Chí Minh, với những mặt hàng vật liệu xây dựng khác như gạch, gỗ ốp, lát, thiết bị nhà tắm, phòng bếp, điện, nước… người tiêu dùng cũng ưu tiên chọn hàng Việt Nam.
Nhận định về ưu thế của DN sản xuất nhóm ngành hàng gạch ốp lát, xây dựng, thiết bị vệ sinh, ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, các nhà sản xuất Việt Nam hiện nay đã khẳng định vị trí của mình ở thị trường nội, nhờ đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, áp dụng công nghệ cao, sản phẩm không chỉ đạt chất lượng tốt mà còn khác biệt về mẫu mã, cạnh tranh về giá cả.
Bên cạnh đó, sự bảo hộ đối với nhóm hàng này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho DN chiếm lĩnh thị trường. Cụ thể, hiện nay thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm gốm sứ vệ sinh được áp dụng từ 5% - 35% tùy khu vực nên đã làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nhập khẩu.
Theo thoibaonganhang.vn