Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Lê Vinh cho biết, quy chế này là công cụ để kiểm soát phát triển của khu vực nội đô, trong đó có cảnh quan kiến trúc, dân số, phục vụ cho công tác quản lý. Quy chế được áp dụng trên khu vực có quy mô khoảng 3.881ha, thuộc địa giới hành chính của năm quận gồm: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần phía bắc quận Hai Bà Trưng và một phần phía nam quận Tây Hồ. Theo Quy chế, công trình cao tầng là công trình có chín tầng trở lên. Các vị trí cho phép nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng gồm có: Các vị trí hai bên đường vành đai, tuyến phố hướng tâm, tuyến phố chính và tại các khu vực điểm nhấn đô thị, tuân thủ theo quy định của Quy chế. Các dự án tái thiết khu đô thị bao gồm việc đầu tư xây dựng tại các khu chung cư cũ và quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giao dịch và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ và các dự án tái thiết khu đô thị khác theo quy định của pháp luật, tuân thủ theo các quy định tại Điều 10 của Quy chế.
Ngay sau khi Quy chế được công bố, nhiều chuyên gia nhận xét, những năm qua, khu vực đô thị còn thiếu quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, cho nên đã dẫn đến lúng túng trong thực hiện cấp phép xây dựng. Đã có những công trình xây dựng không phép hoặc sai phép, không tuân thủ các chỉ tiêu về quy hoạch, kiến trúc theo giấy phép xây dựng được cấp (mật độ xây dựng, số tầng, chiều cao công trình, khoảng lùi, hình thức kiến trúc...) ảnh hưởng đến không gian kiến trúc cảnh quan đô thị và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Do đó, việc Hà Nội ban hành Quy chế này là cần thiết. Nếu cơ quan, lực lượng chức năng thực hiện đúng, bảo đảm tính nghiêm minh của quy chế và các quy định trong Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị... thì Hà Nội sẽ xây dựng được một đô thị hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới. "Bởi quỹ đất nằm trong phạm vi áp dụng Quy chế rất lớn, bao gồm cả những khu chung cư cũ, những cơ sở sản xuất, bệnh viện... sau di dời, mà phần lớn được coi là "đất vàng", thì công tác quản lý càng phải được siết chặt hơn, quy củ hơn", một chuyên gia phân tích. Theo các chuyên gia thì việc tăng cường quản lý nhà nước theo quy hoạch một cách hệ thống, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ sẽ hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xin - cho trong việc triển khai các công trình. Nhưng cùng với đó, lực lượng thi hành nhiệm vụ cũng phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quản lý xây dựng bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và quản lý đầu tư xây dựng, xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Nhân dân điện tử