Theo quy hoạch, quy mô dân số dự báo đến năm 2020 khoảng 182.079 người, trong đó, dân số đô thị khoảng 110.710 người, dân số nông thôn khoảng 71.369 người; Đến năm 2030, khoảng 183.00 người, trong đó, dân số đô thị khoảng 117.390 người, dân số nông thôn khoảng 65.610 người.
Quy mô đất đai: Tổng diện tích tự nhiên, toàn bộ địa giới hành chính huyện Đan Phượng, là 7.735,48ha, trong đó, khu vực phát triển đô thị khoảng 3.102,04ha; khu vực nông thôn khoảng 4.633,44ha.
Về định hướng phát triển không gian: Toàn bộ không gian của huyện được chia thành hai phần bởi đường Vành đai 4. Trong đó: Phần phía Đông Vành đai 4 (Gồm khu vực dân cư đô thị thuộc phân khu đô thị S1, S2, GS, sông Hồng) được xác định phát triển theo hướng đô thị, gắn với các dịch vụ công cộng chất lượng cao về y tế, giáo dục với tổng quy mô: 2.522,62ha.
Phần phía Tây Vành đai 4 nằm trong khu vực Hành lang xanh của Thủ đô, được định hướng phát triển như sau: Khu vực phát triển đô thị (Thị trấn Phùng và vùng phụ cận): Có quy mô 579,41ha, phát triển thành khu đô thị mang tính chất sinh thái, công nghệ cao gắn với trục phát triển mới Tây Thăng Long, đóng vai trò là trung tâm huyện hỗ trợ phát triển vùng nông thôn.
Khu vực làng xóm, dân cư nông thôn thuộc Hành lang xanh: Gồm các làng xóm dân cư hiện hữu gắn với bảo tồn di tích lịch sử văn hóa và tiếp tục các hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Định hướng phát triển khu vực nông thôn kết hợp với sinh thái nông nghiệp, khuyến khích phát triển các không gian nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái nông nghiệp như việc đưa du khách thăm quan các vùng sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển nông thôn mới các xã gắn với 19 tiêu chí nông thôn mới. Không gian kiến trúc làng xóm được cải tạo chỉnh trang, khuyến khích các kiến trúc đặc trưng kiến trúc Việt như nhà thấp tầng, có sân vườn, ao cá… góp phần tạo hình ảnh nông thôn mới bên cạnh đó cũng lưu giữ được bản sắc văn hóa, kiến trúc địa phương. Đảm bảo tiêu chí không gian sống bền vững, sinh thái.
Định hướng phát triển đô thị: Gồm một phần Phân khu đô thị S1, S2, GS, sông Hồng và thị trấn huyện lỵ Phùng:
Khu vực Phân khu đô thị S1, S2, GS, sông Hồng: Hình thành các trung tâm mới về thương mại, dịch vụ của đô thị. Tạo dựng đô thị cửa ngõ phía Tây Bắc của đô thị trung tâm.
Phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, hiện đại gắn với cải tạo, chỉnh trang, xây dựng lại các khu ở hiện có, tạo dựng một phân khu đô thị hoàn chỉnh, đáp ứng các nhu cầu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.
Tổ chức không gian cảnh quan của phân khu đô thị S1, S2 kết nối với không gian xanh của khu vực phân khu GS và không gian cảnh quan sinh thái của phân khu sông Hồng, tạo hướng không gian kiến trúc hiện đại. Hình thành các trục đô thị, trục cảnh quan và các không gian điểm nhấn trọng tâm, đảm bảo sự liên kết hài hòa với không gian xung quanh.
Hình thành đầu mối hạ tầng kỹ thuật, là đầu mối giao thông gắn với các trung tâm đô thị, đảm bảo kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng chung khu vực.
Thị trấn Phùng và vùng phụ cận: Hình thành trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế thương mại, văn hóa, thể dục thể thao huyện Đan Phượng. Phát triển theo mô hình sinh thái mật độ thấp, mở rộng không gian về phía Đông Bắc và Tây Nam, gồm phần đất thuộc các xã Song Phượng, Đan Phượng, Thượng Mỗ, Tân Hội, kết nối với tuyến đường Tây Thăng Long. Duy trì cấu trúc truyền thống trong các khu dân cư hiện có, xác định các khu phát triển mới nhằm giãn dân, di dân trong các khu vực làng xóm, bổ sung quỹ đất bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ dân cư địa phương.
Định hướng phát triển khu dân cư nông thôn: Từng bước chuyển dịch nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất hàng hóa chất lượng cao cung ứng sản phẩm cho nhu cầu Thủ đô.
Cụm làng dọc bờ sông Hồng (thuộc các xã Hồng Hà, Trung Châu A, Thọ Xuân, Thọ An, Trung Châu B) và các cụm làng dọc bờ sông Đáy (thuộc xã Phương Đình, Đồng Tháp, Song Phượng): Bảo tồn các giá trị làng nông nghiệp lâu đời. Phát triển dịch vụ, du lịch, giải trí sinh thái. Các khu vực làng xóm nằm ngoài đê, trong hành lang thoát lũ, dần từng bước di chuyển vào các khu di dân, tái định cư phía trong đê.
Cụm làng giáp với thị trấn Phùng (thuộc các xã Đan Phượng, Hạ Mỗ, Thượng Mỗ): Hình thành những khoảng không gian sinh thái ngăn cách với đô thị. Phát triển các tiện ích về không gian sinh thái nông nghiệp nông thôn, như nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, giải trí ẩm thực…
Theo Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội