Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại tỉnh Bình Dương đã thực hiện cho vay 956 hồ sơ từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng với số tiền giải ngân được 249 tỷ đồng; trong đó 458 hồ sơ mua nhà ở xã hội với số tiền 89 tỷ đồng.
Một góc khu chung cư nhà ở xã hội Hòa Lợi, thị xã Bến Cát. (Ảnh: Quách Lắm/TTXVN)
Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng, người lao động vẫn còn khó tiếp cận vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, vì nhiều nguyên nhân và điều kiện khác nhau; do đó việc giải ngân vốn vay vẫn chưa đạt như mong đợi.
Qua khảo sát cho thấy, nhiều người lao động do chưa có điều kiện tích lũy đủ tiền đối ứng để mua nhà nên khó tiếp cận được gói hỗ trợ từ 30.000 tỷ đồng.
Riêng chương trình nhà ở xã hội giá rẻ vì một số giới hạn nên đa số người lao động chưa tìm đến gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để có được nhà ở.
Trong khi đó, theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, hiện mỗi căn hộ xã hội có diện tích 30m2 được bán với giá 110-150 triệu đồng và chỉ cần tích góp mỗi tháng được hơn 1 triệu đồng thì người lao động có thể mua được nhà ở xã hội.
Với quy định đã nới lỏng cho người dân tạm trú; trong đó phần đông người lao động tại các khu công nghiệp chỉ cần tạm trú đủ 6 tháng và có việc làm là được hỗ trợ vay từ gói 30.000 tỷ đồng để mua nhà.
Tuy nhiên, cái khó đối với công nhân là trước khi mua nhà ở xã hội phải có tiền trả trước ít nhất từ 10-20% thì mới được ngân hàng hỗ trợ vay.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương có khoảng 3 triệu m2 sàn nhà trọ (tương đương 182.289 phòng) đang cho gần 550.000 công nhân lao động thuê ở.
Hiện giá bình quân mỗi phòng trọ từ 800.000 đến 1 triệu đồng/tháng. Và cứ mỗi lần đến kỳ tăng lương, các khu nhà trọ đua nhau tăng giá khiến người lao động vẫn còn lao đao về cuộc sống ở vùng công nghiệp./.
Theo TTXVN/VIETNAM+