Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 là dự án nhà máy nhiệt điện đốt than gồm hai tổ máy với công suất mỗi tổ 600 MW; lò hơi cận tới hạn dạng W gồm 24 vòi đốt sử dụng nguồn nhiên liệu than cám 5A có nguồn gốc từ Cẩm Phả hoặc Hòn Gai (Quảng Ninh). Khi đi vào hoạt động, hằng năm nhà máy sẽ tiêu thụ khoảng ba triệu tấn than và phát lên lưới điện quốc gia khoảng 7,2 tỷ kW giờ điện góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Ngay từ lúc Hợp đồng EPC được ký kết, LILAMA đã nhanh chóng bắt tay vào thực hiện dự án một cách quyết liệt. Dù giá trị hợp đồng thấp nhưng các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực nhiệt điện đốt than vẫn được LILAMA lựa chọn, trong đó thiết bị chính được cung cấp bởi các nhà chế tạo uy tín trên thế giới như lò hơi được chế tạo bởi Babcok & Wilcox (Vương quốc Anh), tua-bin máy phát được chế tạo bởi Toshiba (Nhật Bản), hệ thống đo lường điều khiển của YOKOGAWA (Nhật Bản), thiết bị điện chính được cung cấp bởi ABB (Thụy Điển)… nhằm bảo bảo chất lượng thiết bị cùng tính ổn định vận hành lâu dài của nhà máy mà LILAMA đã cam kết trong hợp đồng.
Phải nói rằng Vũng Áng 1 là dự án nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất lớn nhất Việt Nam tại thời điểm xây dựng và cũng là dự án lớn nhất do LILAMA - một nhà thầu trong nước làm tổng thầu. Dự án cũng đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong suốt quá trình xây dựng nhà máy: từ điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mưa nhiều ở Vũng Áng, đến giá trị hợp đồng thấp, đơn giá nhân công-ca máy, nguyên vật liệu liên tục tăng cao, cùng với rất nhiều phát sinh không lường trước…Vượt qua mọi khó khăn đó, tổ máy 1 của nhà máy đã kết thúc thành công mọi thử nghiệm theo yêu cầu để bàn giao cho chủ đầu tư vận hành thương mại vào lúc 23 giờ ngày 31-12- 2014, và tổ máy 2 lúc 15 giờ ngày 12-5- 2015.
Tuy thời gian hoàn thành có dài hơn tiến độ hợp đồng, dự án đã có được những thành công nhất định với kết quả đạt được hết sức khích lệ, được chủ đầu tư cũng như Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đánh giá cao khi so sánh với các nhà máy nhiệt điện đốt than khác đã và đang được xây dựng trong nước qua các tiêu chí đạt được như hiệu suất lò hơi cao, công suất tổ máy tăng, vận hành ổn định, tuân thủ chặt chẽ yêu cầu môi trường. Cụ thể, mỗi tổ máy phát công suất cao nhất đạt 632 MW (vượt 5,8% công suất định mức); công suất phát tinh lên lưới của hai tổ máy tăng thêm 14,4 MW (tương ứng 1,3%), suất tiêu hao nhiệt tinh giảm 930.3kJ/kWgiờ (tương ứng 4,87%), làm lợi cho chủ đầu tư hàng trăm triệu USD về chi phí đầu tư cũng như chi phí vận hành trong suốt vòng đời nhà máy do tăng công suất phát nhưng lại tiết kiệm nhiên liệu. Các chỉ số khí thải ra môi trường cũng thấp hơn nhiều so với cam kết (thấp hơn 83,3%), nồng độ bụi cũng thấp hơn nhiều so với cam kết (thấp hơn 34,2%). Hệ thống xử lý tro xỉ hoạt động vận chuyển tro xỉ từ lò hơi ra bãi chứa khép kín giữ cho nhà máy luôn được sạch, không gây tác động xấu đến môi trường chung quanh. Hai tổ máy đến nay luôn hoạt động phát điện lên lưới ổn định ở mức tải cao, góp phần khắc phục tình trạng thiếu hụt điện năng trong giai đoạn cao điểm nắng nóng vừa qua.
Có được thành công như hôm nay là do dự án đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Công thương, của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, sự phối hợp tạo điều kiện thuận lợi của các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư và UBND tỉnh Hà Tĩnh, các đóng góp rất tích cực của Ban QLDA Vũng Áng - Quảng Trạch, đơn vị tư vấn chủ đầu tư, nỗ lực của tổng thầu, tư vấn tổng thầu và các nhà thầu phụ làm việc trên công trường, cùng sự hỗ trợ của đơn vị vận hành PV Power. Tất cả các bên đã cùng với Tổng thầu làm việc, cùng chia sẻ tháo gỡ mọi khó khăn vì mục tiêu chung.
Bên cạnh những yếu tố trên, sự thành công của dự án còn do LILAMA đã kế thừa và phát huy được kinh nghiệm quản lý dự án từ các dự án EPC trước đó, từ gia tăng khối lượng công việc tự thực hiện trong công tác thiết kế quản lý giao diện, đến nâng cao tỷ trọng chế tạo trong nước (tỷ lệ cơ khí tự chế tạo trong nước lên hơn 30%) cải thiện trình độ quản lý thi công, đặc biệt là đã tham gia sâu vào công tác chạy thử nhà máy. Nếu như ở các dự án nhiệt điện trước đó, việc thí nghiệm chạy thử nhà máy hoàn toàn do các nhà thầu nước ngoài thực hiện thì tại dự án phức tạp này lực lượng điều hành dự án của LILAMA đã đảm nhận hầu hết các phần việc quan trọng trong chuỗi từ lập kế hoạch chạy thử, điều hành chuyên gia, đến bắt tay vào trực tiếp chạy thử từng hệ thống công nghệ, phân tích và xử lý sự cố để có giải pháp phù hợp nhất. Với sự trợ giúp từ các nhà thầu phụ cung cấp thiết bị phục vụ chạy thử, tổng thầu luôn là người đưa ra các quyết định khó khăn, quan trọng tạo nên bước ngoặt trong quá trình chạy thử nhà máy.
Bài học được rút ra sau thành công làm tổng thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 là: Sự tin tưởng, hỗ trợ của lãnh đạo Chính phủ, các bộ và chủ đầu tư; cùng với sự tự tin, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của LILAMA sẽ dẫn đến thành công.
Theo báo Nhân dân điện tử