UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4398/QĐ-UBND, phê duyệt quy hoạch chung thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, đến năm 2030, tỷ lệ 1/5000.
Theo quyết định, diện tích quy hoạch chung thị trấn Phùng khoảng 293,7 ha, trong đó, cơ cấu sử dụng đất giai đoạn đến năm 2020, đất khu vực phát triển đô thị khoảng 147,80 ha, đất ngoài khu vực phát triển đô thị khoảng 124,00 ha; giai đoạn đến năm 2030, đất xây dựng đô thị khoảng 147,80 ha, đất khu vực nông thôn khoảng 124,00 ha. Về quy mô dân số quy hoạch đến năm 2020 khoảng 11.000 người; dân số quy hoạch đến năm 2030 khoảng 12.000 người.
Về định hướng phát triển không gian đô thị phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đan Phượng nói chung và thị trấn Phùng nói riêng. Hình thành trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa của huyện để hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội tại vùng nông thôn, đẩy mạnh phát triển các chức năng về công cộng, y tế, giáo dục, thương mại và văn hóa…
Hình thành không gian đô thị với các chỉ tiêu kiểm soát phát triển về chức năng đô thị, mật độ xây dựng, chiều cao công trình và hình thái kiến trúc phù hợp với đặc điểm cảnh quan, môi trường trong khu vực hành lang xanh. Khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên và lợi thế về giao thông đường bộ để phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch.
Nâng cấp, bổ sung quỹ đất bố trí cho các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ dân cư đảp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Cải tạo, chỉnh trang các khu vực dân cư làng xóm hiện hữu, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng. Cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ quan công sở cũ xuống cấp hoặc không đủ diện tích theo quy đinh, xây dựng trung tâm hành chính theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Di dời trụ sở của UBND thị trấn ra ngoài khu vực dân cư hiện có về khu vực tập trung các công trình công cộng hành chính được quy hoạch đồng bộ, hiện đại về kiến trúc cảnh quan góp phần tạo sự hài hòa với không gian xung quanh, dành quỹ đất sau khi di dời để bổ sung các công trình hạ tầng công cộng phục vụ người dân trong khu vực dân cư hiện hữu.
Còn khu vực ngoài phạm vi phát triển đô thị, phát triển hệ thống giao thông đô thị kết nối đến các điểm dân cư làng xóm hiện hữu với các khu vực lân cận. Bổ sung quỹ đất xây dựng khu vực công viên cây xanh thể dục thể thao, trường học, công cộng... bổ trợ cho khu vực phát triển đô thị, phục vụ chung cho toàn thị trấn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt dân cư. Đồng thời, xác định các vùng sản xuất nông nghiệp…
Theo Kinh tế đô thị