Sở Xây dựng đã có thông báo về tình hình mở bán căn hộ đợt 3 của Dự án Xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) để bán, cho thuê tại tòa nhà CT5, CT6 thuộc ô đất N04 - khu đô thị mới Tứ Hiệp.
Tổng số căn hộ mở bán của đợt này gồm 76 căn hộ (đã bổ sung 1 căn hộ của khách hàng đợt 1 không tiếp tục thực hiện hợp đồng). Theo báo cáo của chủ đầu tư, số lượng hồ sơ đủ điều kiện đăng ký mua NƠXH tại dự án: 79 hồ sơ; số lượng hồ sơ được quyền mua căn hộ: 76 hồ sơ. Giá bán tạm tính là 12.800.000 VND/m2 (bao gồm VAT và 2% phí bảo trì). Quy mô dự án: Bao gồm 2 tòa nhà CT5 (11 tầng + 1 tầng áp mái), CT6 (11 tầng + 1 tầng áp mái). Dự án do Công ty CP Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu Khí làm chủ đầu tư. Toàn bộ dự án có 274 căn hộ (số căn hộ thuê mua: 68 căn) với diện tích căn hộ từ 60,3 - 70m2.
Không nên đăng ký mua nhà ở xã hội qua các sàn trung gian
Sở Xây dựng Hà Nội đã có Hướng dẫn một số nội dung liên quan đến mua, thuê mua và thuê nhà ở xã hội (NƠXH) tại các dự án NƠXH trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, Sở khuyến cáo, các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu mua, thuê mua và thuê NƠXH chỉ nộp hồ sơ tại chủ đầu tư theo các chỉ dẫn được đăng tải công khai trên website của Sở Xây dựng Hà Nội và tại trang web chính thức của các chủ đầu tư dự án có NƠXH, không qua các sàn trung gian.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách về NƠXH và nhu cầu của người dân để thu tiền, tiền đặt cọc sai quy định. Mọi hành vi gian dối khi kê khai và xác nhận hồ sơ mua, thuê NƠXH khi được phát giác (kể cả trong quá trình hậu kiểm) sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành. Sở Xây dựng cũng khuyến cáo người dân không nhận chuyển nhượng trái quy định về NƠXH. Việc xử lý các vi phạm về NƠXH được quy định tại Điều 32 Thông tư 08/2014/TT-BXD ngày 23/5/2014 của Bộ Xây dựng.
Xử lý chủ đầu tư và nhà thầu kém năng lực
Ngày 3/9, tại cuộc họp Ban Cán sự Đảng bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã phê bình các nhà thầu dự án BOT chậm tiến độ trên QL1. Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các Thứ trưởng phụ trách dự án phải chủ động điều động, cắt chuyển khối lượng, đảm bảo mục tiêu chung là thông xe toàn tuyến QL1 trong năm 2015.
Trước đó, theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), về cơ bản các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trên QL1 đều đang đạt tiến độ yêu cầu. Đối với các dự án BOT, có 2/7 dự án chậm tiến độ (gồm đoạn Nam Bình Định chậm 16,8%; Bắc Bình Định chậm 11,1%). Nguyên nhân là do năng lực tài chính và thi công của chủ đầu tư và nhà thầu không đáp ứng yêu cầu đề ra.
Theo Kinh tế đô thị