Tuy nhiên Chương trình phát triển nhà ở xã hội tỉnh Bình Dương trong giai đoạn qua vẫn gặp nhiều khó khăn cần phải giải quyết.
Nguyên nhân là do Bình Dương có tốc độ tăng dân số cơ học cao so với cả nước (gần 1 triệu lao động nhập cư) nên yêu cầu giải quyết nhà ở xã hội hết sức lớn, cấp bách và việc giải quyết chưa theo kịp yêu cầu.
Nhiều dự án nhà đã đăng ký nhưng chưa triển khai hoặc triển khai chậm. Có dự án triển khai không hoàn thành đúng tiến độ; trong đó có nguyên nhân chưa vay được vốn ưu đãi để triển khai tiếp dẫn đến việc giải quyết nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động không đảm bảo theo kế hoạch.
Một số chủ đầu tư khi thực hiện dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới chưa dành quỹ đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội hoặc có dành quỹ đất nhưng thiếu vốn triển khai. Một số vị trí bố trí xa với điều kiện sinh sống của công nhân lao động, thiếu cơ sở hạ tầng ngoài dự án...
Một nguyên nhân khác là hiện nay trên địa bàn Bình Dương chưa có doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay ưu đãi từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng; cơ chế, chính sách ưu đãi đối với việc xây dựng nhà ở xã hội chưa thực sự thu hút, khuyến khích được doanh nghiệp tham gia đầu tư do lợi nhuận thấp (tối đa 10%) và thời gian đầu tư kéo dài thu hồi nguồn vốn chậm.
Bên cạnh đó, người lao động, công nhân các khu công nghiệp, người có thu nhập thấp, chưa có khả năng mua nhà để ở mà chỉ có nhu cầu thuê nhà gần công ty, nhà máy để thuận tiện đi làm.
Tỉnh Bình Dương đã đề ra các nhóm giải pháp để Chương trình phát triển nhà ở xã hội ở Bình Dương đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới; trong đó xác định ưu tiên dành quỹ đất cho nhà ở xã hội với vị trí thuận lợi, phù hợp với yêu cầu phát triển công nghiệp và đô thị. Chương trình phải gắn với việc xã hội hóa, đặc biệt việc phát triển nhà ở phải đa dạng các loại hình để đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp xã hội; trong đó chú trọng phát triển nhà ở cho người lao động và người có thu nhập thấp.
Tỉnh cũng huy động các nguồn lực khác nhau để giải quyết vấn đề nhà ở nhất là nhà ở xã hội đảm bảo sự phát triển bền vũng trong quá trình phát triển công nghiệp và phát triển đô thị; trong đó cần xác định vai trò, trách nhiệm của các chủ đầu tư, doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhà nước đối với việc giải quyết nhà ở cho người lao động.
Bên cạnh đó, Bình Dương sẽ tiếp tục chỉ đạo thông qua cơ chế chính sách thông thoáng hơn để các tổ chức, doanh nghiệp nhất là các hộ gia đình, cá nhân tham gia xây dựng nhà ở với số lượng, chất lượng tốt hơn cho người lao động, tạo điều kiện giúp họ ổn định việc làm, gắn bó lâu dài tại Bình Dương.
Theo số liệu của Tỉnh ủy Bình Dương, tổng diện tích sàn nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 được xây dựng là 1,3 triệu m2, đáp ứng chỗ ở cho gần 111.000 người, đạt gần 75% so với Chương trình phát triển nhà ở xã hội tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015. Trong đó có 14 dự án của Đề án nhà ở an sinh xã hội của Tổng công ty Đầu tư phát triển Công nghiệp-trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Becamex IDC) với 737.000m2 sàn đáp ứng cho trên 40.000 người và gần 270.000m2 diện tích sàn nhà ở của 200 doanh nghiệp các khu, cụm công nghiệp xây dựng, đáp ứng chỗ ở cho 46.900 công nhân lao động.
Đặc biệt trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 3 triệu m2 sàn nhà trọ do các hộ và cá nhân đầu tư xây dựng (tương đương gần 1823.000 căn) đáp ứng nhà ở cho gần 544.000 người là đối tượng công nhân lao động, sinh viên và người có thu nhập thấp.
Riêng giai đoạn 2011-2015 có 1,2 triệu m2 sàn nhà trọ được xây dựng, đáp ứng chỗ ở cho trên 217.500 người, tương đương 68% Chương trình phát triển nhà ở./.
Theo TTXVN/VIETNAM+