Chính vì vậy, việc khai thác, chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng đã đáp ứng về nhu cầu vật liệu cho các doanh nghiệp, cá nhân phát triển sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Thanh Hoá hiện có 258 dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng. Trong đó, sản xuất xi măng và clinker (4); khai thác, chế biến đá xây dựng (142); khai thác cát (20), sản xuất gạch nung tuynel (34), sản xuất gạch không nung (8), sản xuất bê tông thương phẩm (5)...
Trên cơ sở các qui hoạch được phê duyệt và công tác tham mưu của các cấp, các ngành; UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho các dự án đầu tư khai thác, chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh theo đúng các qui hoạch được phê duyệt, không chồng chéo các qui hoạch khác của Trung ương và địa phương.
Một số sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng tại Thanh Hóa có chất lượng tốt, như: xi măng, gạch tuynel, đá ốp lát... Sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến sử dụng tại công trình xây dựng, cho nên hầu hết các công trình được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh bảo đảm chất lượng.
Việc khai thác vật liệu xây dựng của các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh được dư luận, các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm, thực hiện theo đúng qui hoạch nhằm không làm ảnh hưởng đến môi trường, biến đổi khí hậu.
Để thực hiện việc quản lý vật liệu xây dựng theo đúng qui hoạch, hàng năm, Sở Xây dựng Thanh Hóa đã tổ chức kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng và thông báo kết quả kiểm tra cho các chủ đầu tư xây dựng, nhà thầu thi công công trình biết để lựa chọn sản phẩm có chất lượng tốt.
Đồng thời, để các nhà sản xuất kịp thời chấn chỉnh các sản phẩm hàng hóa chưa đạt yêu cầu theo qui định, Sở Xây dựng cũng đã hướng dẫn kịp thời cho các đơn vị sản xuất đá, cát thực hiện đăng ký chất lượng sản phẩm theo qui định của Nhà nước.
Việc khai thác vật liệu xây dựng được Thanh Hóa đặc biệt quan tâm, thực hiện theo đúng qui hoạch
nhằm không làm ảnh hưởng đến môi trường, biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành về hoạt động khai thác, chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn. Từ năm 2011 đến nay, đã thực hiện thanh tra, kiểm tra hàng trăm đơn vị khai thác, chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng.
Thông qua thanh tra, kiểm tra nếu đơn vị nào không thực hiện khai thác theo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt, đoàn thanh tra, kiểm tra sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền không cấp phép mới. Thậm chí không gia hạn giấy phép khai thác đối với những đơn vị không tuân thủ các qui định của pháp luật trong hoạt động khai thác mỏ và yêu cầu một số đơn vị tạm dừng khai thác để tiến hành lập và đo vẽ bản đồ hiện trạng, lập phương án cải tạo theo đúng qui chuẩn về khai thác khoáng sản bằng phương pháp lộ thiên...
Những tháng đầu năm 2014, Đoàn Thanh tra của Bộ Xây dựng đã làm việc với 52 đơn vị (29 đơn vị khai thác đá xây dựng, 5 đơn vị khai thác cát, 18 đơn vị sản xuất gạch tuynel) trên địa bàn tỉnh. Đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng đã chỉ ra những thiếu sót, lỗi vi phạm trong hoạt động khai thác đá, khai thác cát, sản xuất gạch tuynel và chỉ đạo hướng khắc phục.
Thực tế công tác quản lý vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh cho thấy, các mỏ đá làm vật liệu xây dựng chưa được cấp phép dài hạn là nguyên nhân làm cho các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng chưa mạnh dạn đầu tư dây chuyền khai thác tiên tiến. Các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng phần lớn có qui mô nhỏ, chưa quan tâm đến việc đầu tư kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại và nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng. Vì vậy Thanh Hóa chưa có sản phẩm tiêu biểu chất lượng quốc gia.
Nhằm đưa các hoạt động này dần vào nền nếp, bảo đảm theo đúng các qui định của pháp luật, trong thời gian tới, Sở Xây dựng Thanh Hóa sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan, các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc khai thác, sản xuất, chế biến vật liệu xây dựng hiệu quả trên địa bàn.
Theo Báo Xây dựng điện tử