Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt Thủ Dầu Một là tiểu dự án thuộc dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương, được khởi công xây dựng từ tháng 3/2011. Sau 2 năm xây dựng và chạy thử, dự án đã được các cơ quản quản lý nhà nước cấp chứng nhận là công trình đạt chất lượng đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật để vận hành khai thác. Dự án có tổng mức đầu tư gần 2000 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Nhà máy được quy hoạch với công suất 70.000m3/ngđ (giai đoạn 1 đưa vào sử dụng nguyên đơn đầu tiên có công suất 17.650m3/ngđ). Nhà máy sử dụng công nghệ sinh học bùn hoạt tính tuần hoàn dạng mẻ cải tiến (ASBR) với ưu điểm tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm phát sinh mùi hôi và đảm bảo chất lượng nước sau khi xử lý đạt loại A.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng Cao Lai Quang đánh giá cao công nghệ xử lý nước thải mà Biwase lựa chọn vì đây là công nghệ hiện đại có nhiều ưu việt, phù hợp với định hướng lâu dài của Bộ Xây dựng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang phát biểu chúc mừng Biwase tại lễ khánh thành nhà máy xử lý nước thải
Thứ trưởng biểu dương sự nỗ lực cố gắng của Biwase trong công tác đầu tư phát triển các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt.
Thứ trưởng nhấn mạnh: “Trong quá trình đổi mới, mạng lưới đô thị Việt Nam ngày càng được mở rộng và thực sự là động lực thức đẩy kinh tế phát triển. Song các đô thị Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong lĩnh vực thoát nước và vệ sinh môi trường. Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải còn nhiều bất cập, không theo kịp tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa. Tuy khối lượng nước thải sinh hoạt và sản xuất đô thị ngày càng tăng nhưng đến nay mới chỉ có khoảng 10% khối lượng nước đô thị được thu gom xử lý. Nước thải không được xử lý đã và đang gây ô nhiễm nặng ra môi trường, đặc biệt các dòng sông lớn tại Việt Nam như: Đồng Nai, Sài Gòn, sông Đáy, sông Nhuệ…
Do đó, đòi hỏi về nguồn lực cho đầu tư, năng lực quản lý, nhận thức của cộng đồng về môi trường cũng đang là thách thức lớn đối với chúng ta. Với quan điểm phát triển nhanh phải gắn với bền vững, tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với bảo vệ và cải thiện môi trường, Chính phủ và các Bộ ngành đã, đang và sẽ tập trung ưu tiên đầu tư mạnh hơn lĩnh vực thoát nước và vệ sinh môi trường. Hệ thống thoát nước và nhiều nhà máy xử lý nước thải đã được các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng, mà điển hình là Bình Dương đã đi đầu trong lĩnh vực này”.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng Thứ trưởng Cao Lại Quang tặng cờ thi đua của Bộ Xây dựng cho Cty Biwase
Ông Nguyễn Văn Thiền – Tổng giám đốc Biwase cho biết: “Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương trải qua nhiều bước đi với thời gian gần 10 năm, trong đó có 5 năm làm quy hoạch, chuẩn bị dự án, 30 tháng đấu thầu, chọn nhà thầu và khảo sát thiết kế kỹ thuật. Giai đoạn 1 dự án đã xây dựng trên 10 trạm bơm nâng cấp, lắp đặt trên 170km đường ống có đường kính từ 100 – 1200mm để thu gom nước thải của hơn 13.000 hộ gia đình trong khu vực TP.Thủ Dầu Một. Lúc đầu triển khai dự án, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do nhân dân phản ứng về những bất tiện khi thi công dự án gây ra. Tuy nhiên, bằng những cách làm hiệu quả và tạo lòng tin cho nhân dân nên chúng tôi đã được nhân dân cảm thông, hỗ trợ, giúp đỡ. Vì vậy chúng tôi đã tiết kiệm được 10% tổng mức dự kiến đầu tư”.
Sự ra đời của nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt TP Thủ Dầu Một không chỉ đánh dầu bước ngoặc mới trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng nước sông Sài Gòn và thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường của tỉnh Bình Dương. Đồng thời góp phần đáng kể trong việc thực hiện “đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020” theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng Thứ trưởng Cao Lại Quang đã tặng cờ thi đua và bằng khen của Bộ Xây dựng cho lãnh đạo, cá nhân và tập thể Biwase trong nỗ lực triển khai dự án.
Theo Báo Xây dựng điện tử