Theo báo cáo của T.S Võ Quang Diệm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam, năm 2012 toàn ngành sản xuất tấm lợp có 53 dây chuyền với tổng năng lực thiết kế là 106 triệu tấn/năm, trong đó có 2 cơ sở mới công suất 6 triệu tấn/năm và 2 dây chuyền hiện đại hóa nâng cao công suất lên 7 triệu tấn/năm. Hoạt động sản xuất toàn ngành đạt 85 triệu m2/năm, đạt mức huy động 80,19% công suất thiết kế và sản lượng tiêu thụ đạt 79 triệu m2/năm. Lượng tồn sản phẩm trung bình từ 8-10%, tại một số đơn vị tồn kho cao từ 15-20%. Cũng như các ngành sản xuất VLXD khác, ngành tấm lợp phibroximang gặp nhiều khó khăn do các yếu tố đầu vào liên tục tăng, nguồn cung cấp sợi amiang tăng giá cao và không theo kịp tiến độ sản xuất, lãi suất ngân hàng khó tiếp cận trong khi thị trường tiêu thụ giảm. Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp khắc phục nhưng có đến 30% doanh nghiệp thương hiệu nhỏ vẫn phải tạm ngừng sản xuất 1-2 tháng để giảm lượng tồn kho. Một số đơn vị phải ngừng sản xuất 3-4 tháng, thậm chí có 2 đơn vị thông báo ngừng sản xuất. Việc phân bố các cơ sở sản xuất không đều giữa ba miền bắc, trung, nam dẫn đến sự cạnh tranh rất gay gắt nhất là hiện tượng bán phá giá tấm lợp trên thị trường. Bên cạnh đó, năm vừa qua một số doanh nghiệp đã khẳng định được thương hiệu và doanh số bán hàng có lãi cũng như kiểm soát được chất lượng sản phẩm và môi trường lao động tốt như Công ty Cp Xây Lắp và VLXD Đông Anh, Công ty CP Xây dựng Bạch Đằng, Vinafico, Đồng Nai, Thái Nguyên, Nam Sơn...
Về hoạt động của Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam, năm 2012 Văn phòng Hiệp hội đã được đầu tư chuyển đến địa chỉ với cơ sở vật chất khang trang hơn nhờ sự hỗ trợ ủng hộ của các hội viên. Triển khai các công việc liên quan đến công ước Rotterdam; Chương trình điều tra của Cục cạnh tranh - Bộ Công thương; Bám sát Điều chỉnh Quy hoạch VLXD; Chương trình khám bệnh nghề nghiệp và đo môi trường lao động; Chương trình loại bỏ các bệnh nghề nghiệp liên quan đến amiang; Chương trình phản biện, bảo vệ amiang chrysotile...
Về phương hướng hoạt động năm 2013, Ban chấp hành Hiệp hội xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục bám sát quy hoạch điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành VLXD Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo dõi nắm bắt thông tin để có các đối sách vận động hành lang kịp thời. Có kiến nghị với Bộ Xây dựng bằng văn bản về việc giữ nguyên định hướng phát triển đối với tấm lợp phibroximang. Vận động doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quyết định số 121/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong việc đổi mới hoàn thiện công nghệ, xử lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường, quản lý chất lượng sản phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia, duy trì thực hiện tốt việc khám chữa bệnh cho công nhân lao động. Tham gia các hội nghị liên quan đến ngành trong nước và quốc tế, cung cấp số liệu và phản biện cơ chế chính sách của ngành. Hiệp hội sẽ nâng cao tuyên truyền hình ảnh thương hiệu và hoạt động thông qua các phương tiện truyền thông báo chí, trang website...Đồng thời Hiệp hội cũng củng cố lại hoạt động của văn phòng và hoạt động của Ban chấp hành Hiệp hội.
Trước vấn đề liên quan đến sự tồn tại và phát triển ổn định của doanh nghiệp ngành tấm lợp do hoạt động của các nước, các tổ chức chống amiang ngày càng lan rộng, các chuyên gia, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước tại hội nghị đã khuyến cáo đơn vị cần bám sát quy hoạch chung của ngành. Thực hiện hợp quy chuẩn, đảm bảo yêu cầu về môi trường và sức khỏe cán bộ công nhân viên. Trong thời gian ngắn thì chưa có sự thay đổi lớn do người dân còn nghèo, nhu cầu sử dụng tấm lợp phibroximang vẫn lớn. Tuy nhiên, trong tương lai tầm nhìn xa, có chuyên gia cũng khuyến cáo các DN nên có phương án dự phòng và chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp và thích ứng được với các văn bản điều hành mới của nhà nước.
Tại Hội nghị, 100% đại diễn thành viên tham dự nhất trí bầu ông Võ Quang Diệm giữ chức Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký nhiệm kỳ từ 2013 -2015 của Hiệp hội.
Theo Báo Xây dựng điện tử