Theo Sở KH&ĐT, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 260 dự án đầu tư BĐS được UBND tỉnh thỏa thuận địa điểm và cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong đó, dự án còn hiệu lực là 225 dự án, gồm 16 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại là các dự án do DN trong nước thực hiện. Theo đánh giá của các sở ngành, mặc dù địa bàn Đồng Nai có khá nhiều DN đến đầu tư và số dự án được cấp phép cũng cao nhưng thực tế, những dự án đã triển khai hoặc đang hoạt động chỉ chiếm khoảng 3-40%. Còn lại, hầu hết các dự án đã được cấp phép, được thỏa thuận địa điểm nhưng nhà đầu tư chậm triển khai. Nhiều dự án mặc dù đã được tỉnh gia hạn nhưng đến thời điểm này vẫn “dậm chân tại chỗ” với việc lập thủ tục đầu tư, bồi thường GPMB hết sức ì ạch. Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế, nhất là thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn nên việc triển khai các dự án cũng chậm tiến độ.Tuy nhiên, cũng có trường hợp chủ đầu tư đăng ký dựán để “đón đầu” chứ không quan tâm triển khai.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh yêu cầu các địa phương, nhất là 6 địa bàn “nóng” như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, Long Khánh, Thống Nhất cần tích cực rà soát các quy hoạch, nhắc nhở chủ đầu tư công khai thông tin các dự án BĐS để người dân các vùng dự án chủ động tính toán kế hoạch an cư lạc nghiệp, tránh quy hoạch treo gây bức xúc trong dân.Để hỗ trợ chủ đầu tư, cần rà soát hệ thống hạ tầng kỹ thuật sẽ kết nối đến các vùng dự án, báo cáo UBND tỉnh xem xét hướng đầu tư… Lãnh đạo tỉnh cũng giao Sở KHĐT thường xuyên rà soát các dự án quá hạn, nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính hoặc không tích cực triển khai thực hiện thì đề xuất tỉnh ra quyết định thu hồi dự án.
Theo : Báo Xây dựng điện tử