Đáp ứng nguyện vọng thiết tha của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X đã đồng ý về chủ trương xây dựng Tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Tuyên Quang. Đây là công trình lịch sử đặc biệt quan trọng, thể hiện tình cảm kính yêu, lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang và nhân dân cả nước đối với Bác Hồ; đồng thời có ý nghĩa quan trọng giáo dục truyền thống yêu nước, đối với các thế hệ người Việt Nam.
Ông Trần Văn Luận - Phó giám đốc Sở Xây dựng Tuyên Quang, Giám đốc BQLDA xây dựng Quảng trường Nguyễn Tất Thành, cho biết: Quảng trường Nguyễn Tất Thành được quy hoạch xây dựng trên diện tích 8,5ha. Quy mô gồm: Sân quảng trường có sức chứa 20 nghìn người, tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang”, khán đài và các công trình phụ trợ như: nhà thắp hương Bác Hồ, nhà đón tiếp khách, vườn hoa, cây xanh, đài phun nước, các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2012 - 2016 đầu tư xây dựng các hạng mục: Sân quảng trường; tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang”, khán đài gắn với tượng đài; hệ thống điện chiếu sáng; đường diễu hành và đường nội bộ trong quảng trường; nhà thắp hương Bác Hồ; các công trình phụ trợ. Giai đoạn 2 được thực hiện sau năm 2016 sẽ đầu tư xây dựng các hạng mục còn lại theo quy hoạch và dự án đã được phê duyệt.
Ngày 15/02/2012, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng Tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang”. Tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” thể hiện chân thực chân dung Bác Hồ vào thời kỳ tháng 3/1961 khi Người về thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tuyên Quang tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành hiện nay. Theo thiết kế, Tượng đài gồm 2 phần, nhóm tượng có 7 nhân vật, tượng Bác Hồ là trung tâm, 6 nhân vật còn lại đại diện cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Phía sau tượng đài là phù điêu gồm 3 mảng với biểu tượng lớn là cây đa Tân Trào và những khối chạm nổi thể hiện những hình ảnh về hoạt động sản xuất, sinh hoạt văn hóa, danh lam thắng cảnh của Tuyên Quang. Với chất liệu đá xanh Thanh Hóa được tạc qua sự sáng tạo của những nhà điêu khắc nổi tiếng, tượng đài sẽ thực sự trở thành điểm nhấn đẹp trong không gian đô thị TP Tuyên Quang, là biểu trưng của kiến trúc hợp lý, hài hòa, khoa học và hiện đại.
Để đảm bảo tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, Sở Xây dựng đang tập trung đôn đốc nhà thầu triển khai các phương án thi công, phóng nhóm tượng “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” và bức phù điêu giữa tỷ lệ 1/1 trên chất liệu đất sét và thạch cao (thi công tại Q.Long Biên, Hà Nội); đồng thời tiến hành GPMB, thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật của Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Theo ông Đào Đăng Cường - Phó giám đốc BQLDA Đầu tư xây dựng (Sở Xây dựng): Quy trình thi công tượng đài phức tạp và mất nhiều thời gian bởi đây là công trình điêu khắc, nghệ thuật đòi hỏi kỹ thuật và độ chính xác cao. Sau khi mô hình phác thảo bước 2 được phê duyệt, hiện nay đơn vị thi công đang chuyển thể mô hình phác thảo bước 2 lên tỷ lệ 1/1. Đơn vị thi công đang phấn đấu trong quý III/2012 sẽ tiến hành phóng hình vào khối trụ, vào hình tạo khối, tạo hình, chỉnh hình chi tiết và hoàn thiện lần 1.
Theo quy trình khi nhóm tượng và phù điêu hoàn thiện trên chất liệu đất sét tỷ lệ 1/1, Hội đồng nghệ thuật tổ chức họp tham gia chỉnh sửa và nghiệm thu. Trên cơ sở đó, chủ đầu tư sẽ tổ chức trưng cầu ý kiến của các tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp để chỉnh sửa lần 2. Ban thường vụ tỉnh ủy duyệt thông qua, sau đó các nhà điêu khắc chỉnh sửa lần 3 hoàn chỉnh. Xong lần 3, tỉnh mời các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, các tổ chức nghề nghiệp cơ quan trung ương cho ý kiến lần cuối trước khi chuyển sang chất liệu thạch cao.
Từ thạch cao sẽ được chuyển sang làm bằng đá xanh Thanh Hóa. Công đoạn này phấn đấu hoàn thành vào quý IV/2013. Công đoạn lắp dựng, hoàn thiện tượng đài và phù điêu chất liệu đá tại quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Tuyên Quang, phấn đấu hoàn thành trong năm 2014.
Theo Báo Xây dựng điện tử