Quản lý và xây dựng chiến lược phát triển đô thị

Thứ sáu, 31/08/2012 14:37
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Dự kiến đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 3 triệu ha đất phục vụ phát triển đô thị và cần khoảng 1 triệu ha đất để chỉnh trang đô thị, phát triển các khu dân cư mới. Xu hướng này mang lại nhiều tiềm năng cũng như thách thức đối với việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển đô thị nói riêng.

Thực trạng công tác phát triển đô thị

Ở nước ta việc quản lý đô thị mới thực hiện tốt ở cấp Trung ương, cơ quan quản lý nhà nước về đô thị của Bộ Xây dựng là Cục Phát triển Đô thị ghi nhận các số liệu báo cáo từ địa phương và tổng hợp để xây dựng thành bức tranh phát triển đô thị chung của toàn quốc. Tuy nhiên, dữ liệu báo cáo của địa phương thường không chính xác do việc hệ thống các số liệu về đô thị chưa được quan tâm đúng mức, trình độ của người làm công tác quản lý đô thị ở địa phương còn hạn chế, cũng như sự thiếu quan tâm của các cấp quản lý ở địa phương.

Bên cạnh đó việc xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển cho các ĐTM đang thực hiện tốt ở các TP trực thuộc Trung ương và đô thị loại I, các đô thị này đều có cán bộ chuyên môn đô thị, phòng quản lý phát triển đô thị thuộc Sở Xây dựng là đơn vị phụ trách theo dõi, xây dựng các chương trình phát triển đô thị. Ở các đô thị loại II, III, IV,V thì hoạt động này vẫn chưa được quan tâm, thực hiện đúng mức, nhiều tỉnh, thành vẫn chưa có phòng ban, cán bộ chuyên môn chuyên trách phát triển đô thị.

Xây dựng chiến lược phát triển đô thị

Người quản lý, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển đô thị phải là người có kiến thức tổng thể về mọi mặt của đô thị. Những kiến thức này giúp cho họ có khả năng phản hồi được những vấn đề, thách thức, nguy cơ rủi ro đã được dự báo từ trước và phát triển các cách tiếp cận, xử lý sáng tạo khi cần thiết. Từ việc dự báo trước sự phức tạp của quá trình phát triển đô thị của các chuyên viên, lãnh đạo đô thị cần xác định rõ để phát triển đô thị một cách bền vững cần phải có sự định hướng đa ngành, tiếp cận các vấn đề một cách liên ngành; ngoài ra, những dự báo này cũng đặt ra yêu cầu đối với lãnh đạo đô thị về khả năng điều phối, những can thiệp bổ sung phong phú và làm hài hòa các xung đột có thể xảy ra.

Hiện nay các tỉnh, thành đã thành lập Phòng Phát triển đô thị hoặc Quản lý đô thị (thuộc Sở Xây dựng). Ở một số tỉnh, thành, Phòng Quản lý Kiến trúc Quy hoạch kiêm nhiệm việc quản lý, lập báo cáo phát triển đô thị hàng năm. Tuy nhiên các cán bộ phụ trách quản lý và xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển đô thị các cấp lại thường không phải là cán bộ có trình độ chuyên môn sâu về phát triển đô thị mà là cán bộ được đào tạo ở các lĩnh vực có liên quan chuyển sang, vì thế các thông tư, nghị định, văn bản hướng dẫn, yêu cầu cung cấp số liệu về lĩnh vực phát triển đô thị từ cấp Trung ương chuyển xuống thường gặp khó khăn trong công tác xử lý. Các số liệu báo cáo thiếu bài bản, ít chính xác, thiếu tính dự báo, thiếu sự định hướng phát triển cụ thể, gây khó khăn cho các chuyên gia tổng hợp xử lý và làm cho việc quản lý, xây dựng các kế hoạch chiến lược phát triển đô thị ở cấp quốc gia cũng bị ảnh hưởng.

Ở các cấp chính quyền địa phương, chưa quan tâm đầu tư đúng mức việc đào tạo, đào tạo lại, các chương trình bồi dưỡng kiến thức, các chương trình nâng cao trình độ… về chuyên môn phát triển đô thị phù hợp với từng nhóm đối tượng liên quan đến phát triển đô thị theo lộ trình hàng năm.

Thực trạng này cho thấy việc phải có những chương trình đào tạo chuyên sâu nhằm bồi dưỡng nâng cao năng lực, chất lượng quản lý và xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển đô thị đang là một nhu cầu hết sức cấp bách. Tuy nhiên hiện tại, mới chỉ có một số ít các trường đại học và các trung tâm nghiên cứu có xây dựng các chương trình đào tạo về quản lý đô thị. Các chương trình này vẫn chỉ tập trung vào một phạm trù nhỏ trong phát triển đô thị mà thiếu cái nhìn tổng thể để xây dựng các kỹ năng cần thiết để quản lý, phát triển đô thị. Nội dung đào tạo thường tập trung về kỹ năng quản lý các vấn đề hiện trạng đô thị, chưa đề cập đến nội dung giúp phát triển các kỹ năng xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển tổng thể đô thị toàn quốc và từng đô thị riêng biệt. Chưa có những chương trình đào tạo tổng quan cho các cán bộ lãnh đạo đô thị để nâng cao sự quan tâm và nhận thức về quản lý phát triển đô thị cũng như các chương trình chuyên sâu để nâng cao chất lượng và trình độ cho các cán bộ chuyên môn phát triển đô thị.

Nâng cao chất lượng cán bộ quản lý đô thị

Nhìn nhận đúng vai trò của người quản lý, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển đô thị và có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng những cán bộ quản lý, cán bộ chuyên trách về đô thị ở các cấp là việc làm cấp bách và cần sự quan tâm, đồng thuận của Chính phủ cũng như các địa phương. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1961/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 nhằm đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010 - 2015, Ngân hàng thế giới WB cũng tài trợ dự án “Xây dựng các đô thị tiên tiến thông qua các nhà quản lý đô thị giỏi”.

Việc sớm xây dựng hoàn chỉnh nội dung và kế hoạch thực hiện các chương trình này là rất cấp thiết, góp phần quan trọng trong việc thay đổi bộ mặt đô thị và nâng cao chất lượng sống người dân đô thị. Từ các kết quả bước đầu thu được, cần đánh giá, ghi nhận và xây dựng tiếp các chương trình bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, cập nhật, xử lý các vấn đề, bức xúc nảy sinh trong quá trình phát triển đô thị tại các địa phương, vùng miền hay trên toàn quốc, theo lộ trình hàng quý hay hàng năm góp phần nâng cao chất lượng cán bộ chuyên môn đô thị các cấp, tạo lập mạng lưới các chuyên gia đô thị Việt Nam liên kết với quốc tế, góp phần đưa các đô thị Việt Nam hướng tới phát triển bền vững.


Theo Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)