UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, UBND các huyện, thị xã nghiên cứu và tổ chức kiểm tra, đánh giá cụ thể các điểm sạt lở, sụt lún đất trên địa bàn TP, thống nhất đề xuất bổ sung Quy hoạch các khu dân cư nông thôn vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Ảnh minh họa
Theo báo cáo, do diễn biến bất thường của thời tiết, dòng chảy của các con sông trên địa bàn TP liên tục, phát sinh nhiều điểm sạt lở mới ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Qua thống kê thực trạng sạt lở trong năm 2012 đã gây ảnh hưởng đến 52 hộ dân tại xã Cổ Đô, 15 hộ dân xã Phong Vân, 18 hộ dân xã Chu Minh... huyện Ba Vì, 515 hộ dân các phường Phú Thịnh, Viên Sơn và xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây.
Để giảm nhẹ đến mức thấp nhất về người và tài sản trong mùa mưa lũ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND TP cho phép triển khai dự án “Xây dựng khu tái định cư di chuyển các hộ dân ở ngoài 5,4km đê bờ hữu sông Hồng, thị xã Sơn Tây” để ổn định cuộc sống của 515 hộ dân trong vùng dự án; xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở bờ sông Hồng các xã Cổ Đô, Phong Vân, Tòng Bạt, Chu Minh, Cam Thượng, huyện Ba Vì quy mô 116 hộ dân; xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở bờ sông Đà thuộc xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì quy mô dự án 13 hộ dân; dự án xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở dưới chân núi chùa Tây Phương thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất quy mô dự án 54 hộ dân...
Đối với 156 hộ dân bị sạt lở bờ sông Hồng thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm do điều kiện tự nhiên không có quỹ đất xây dựng khu tái định cư, đề nghị UBND TP chỉ đạo huyện Gia Lâm bố trí quỹ đất lập khu tái định cư.
Những địa phương có hộ dân bị ảnh hưởng nhưng chưa thể ổn định tại chỗ, UBND TP nên lập dự án xây dựng kè chống sạt lở để người dân ổn định cuộc sống.
Theo KTĐT