Ngày 27/11, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đã tổ chức Công bố Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, hệ thống đô thị Vĩnh Phúc gồm 21 đô thị, trong đó: Đô thị Vĩnh Phúc giữ vai trò là trung tâm với diện tích 31.860 ha, dân số 1 triệu người, làm hạt nhân và đầu tàu thúc đẩy sự phát triển toàn vùng. Đô thị Vĩnh Phúc kết nối với ba chùm đô thị vệ tinh gắn với vùng kinh tế tự nhiên: chùm đô thị miền núi, chùm đô thị trung du và chùm đô thị miền núi. Đô thị Vĩnh Phúc được kết nối với các chùm đô thị vệ tinh bằng đường vanh đai 5. Hình thành các vành đai xanh bao quanh đô thị Vĩnh Phúc, gắn kết với các hành lang xanh trong đô thị và các vùng nông nghiệp ven đô, tạo thành bộ khung bảo vệ thiên nhiên, đảm bảo cân bằng sinh thái và phát triển bền vững cho toàn tỉnh.
Theo quy hoạch vùng, Vĩnh Phúc phát triển công nghiệp theo ba vùng công nghiệp chính rộng 6.628 ha, gồm khoảng 16 KCN tập trung: Vùng Bình Xuyên gồm 06 KCN, diện tích 2.168 ha; Vùng Tam Dương kh khoảng 05 KCN, diện tích 3.080 ha; Vùng Lập Thạch - Sông Lô gồm 05, diện tích 1.380 ha; và các vùng công nghiệp khác rộng 867 ha, gồm 05 KCN. Đồng thời, phát triển các vùng và các khu du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái, văn hóa - tâm linh: 3 khu du lịch cấp Quốc gia và 6 khu du lịch cấp tỉnh.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng với 5 đường vành đai, các tuyến đường sắt và giao thông công cộng: xây dựng tuyến đường sắt nhẹ (LRT) Bắc Nam, xây dựng tuyến đường sắt du lịch Nội Bài – Vĩnh Phúc; tuyến xe buýt nhanh (BRT) (Phúc Yên-Vĩnh Yên),... tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc thành thành phố vào những năm 20 của thế kỷ XXI và là đô thị quan trọng trong vùng Thủ đô Hà Nội.
Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức lập, giao cho Sở Xây dựng Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư theo Quyết định số 2057/QĐ-UBND ngày 15/8/201. Viện Quy hoạch xây dựng Vĩnh Phúc làm đơn vị tư vấn.
Theo : Báo Xây dựng điện tử