Liên quan đến CPXD, ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, trong dự thảo lần này, Sở đã bổ sung quy định nhà ở hiện hữu nằm trên kênh, sông, rạch, hồ công cộng (dạng nhà sàn) thì được phép tồn tại theo hiện trạng và được sửa chữa, cải tạo gia cố theo nguyên trạng để chống sập, sạt lở.
Đối với công trình, nhà ở nằm trong hành lang bảo vệ cầu, chỉ được phép sửa chữa, cải tạo nhưng không làm thay đổi công năng sử dụng, không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực và an toàn công trình. Đối với công trình (trừ nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm xen cài trong khu dân cư phải di dời theo kế hoạch), nhà ở riêng lẻ hiện hữu nằm trong khu vực không phù hợp với chức năng sử dụng đất theo quy hoạch 1/2000 hay theo đồ án thiết kế đô thị đã được phê duyệt mà chưa có quyết định thu hồi đất thì được xem xét cấp CPXD quy mô tối đa 3 tầng, nhưng phải phù hợp với mục đích sử dụng đất ghi trong giấy chứng nhận.
Về quy định tách thửa, ông Huỳnh Văn Thanh, Trưởng phòng Quản lý sử dụng đất Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho biết, dự thảo sửa đổi QĐ 19 và 54 đưa ra 3 phương án.
Phương án 1 theo hướng quy định diện tích tối thiểu dựa theo QĐ 19/2009 và cập nhật các quy định mới được quy định tại Luật Đất đai 2013.
Phương án 2 là sẽ thực hiện theo Luật Đất đai 2013 theo hướng chỉ quy định diện tích tối thiểu sau khi tách thửa đối với đất ở nông thôn và đất ở đô thị.
Phương án 3 là trên cơ sở phương án 2 nhưng chỉ quy định tách thửa đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư nhằm giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở cho người dân. Trong khi Sở TN-MT kiến nghị chọn phương án 3 thì đại diện phần lớn các quận kiến nghị chọn phương án 1.
Liên quan đến việc dự thảo quy định tuyệt đối không được xem xét giải quyết tách thửa đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, tách thửa phân lô, chuyển mục đích sử dụng đất nhằm mục đích kinh doanh bất động sản, một số quận - huyện không đồng tình.
Theo các quận - huyện, trường hợp nào đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn thì phải được tách thửa theo quy định chứ không có cơ sở để xác định đâu là mục đích kinh doanh, đâu là tách thửa để xây dựng nhà để ở.
Đồng chí Nguyễn Hữu Tín đề nghị các sở - ngành hoàn chỉnh 2 dự thảo theo hướng đảm bảo tính tương đồng: quản lý được nhưng phải thuận lợi cho dân; quyết định phải mạch lạc, rõ ràng để các quận - huyện nhận thức đúng để giải quyết cho người dân, tránh trường hợp mỗi nơi hiểu một kiểu rồi có cách xử lý khác nhau gây thiệt cho người dân.
Theo : SGGP online