Dây chuyền xử lý tro xỉ do Việt Nam chế tạo lần đầu tiên được đưa vào vận hành

Thứ tư, 25/06/2014 14:13
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 23/6, tại Hải Dương, Công ty CP Sông Đà Cao Cường đưa dây chuyền xử lý tro xỉ - giai đoạn 1 vào vận hành sản xuất tại dự án nhà máy gạch nhẹ chưng áp AAC.

Đây là dây chuyền xử lý đồng bộ với công suất 450.000 tấn tro xỉ/ năm, sản xuất được 375.000 tấn tro bay ẩm/ năm, 150.000 tấn tro bay khô/ năm và 75.000 tấn than qua tuyển/ năm.

Sự kiện này đánh dấu một mốc quan trong trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn cho các nhà máy nhiệt điện chạy than của nước ta. Đây cũng là dây chuyền xử lý tro xỉ đầu tiên do Việt Nam chế tạo, lắp ráp.

Trong chương trình vật liệu xây không nung, Chính phủ đã chỉ đạo phải triển khai thực hiện giải pháp xử lý, sử dụng tro xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng giai đoạn 2014-2020, định hướng đến năm 2030.

Công ty CP Sông Đà Cao Cường đã hoàn thiện việc thiết kế, chế tạo, lắp đặt và đưa vào vận hành dây chuyền xử lý tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện chạy than thải ra, biến các chất phế thải thành các sản phẩm có chất lượng cao sử dụng được làm phụ gia, nguyên liệu cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng như: Xi măng, bê tông đầm lăn, bê tông bền sunfat, bê tông trạm trộn, gạch nhẹ chưng áp AAC, gạch cốt liệu,...

Dây chuyền công nghệ xử lý tro xỉ thải bao gồm các công đoạn trong đó phần tuyển nổi sẽ tách phần than chưa cháy hết và các tạp chất ra khỏi tro đảm bảo sản phẩm tro bay đạt tiêu chuẩn Mỹ ASTM-C618 làm phụ gia cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng.

Phần than được tách ra khỏi tro được tái sử dụng lại cho ngành công nghiệp có sử dụng than để đốt lò. Tiếp đến là lọc hút chân không nhằm tách nước ra khỏi tro bay giảm độ ẩm chỉ còn khoảng từ 15 - 17% (dùng làm phụ gia cho ngành sản xuất xi măng, vật liệu không nung… hoặc đưa vào sấy khô về độ ẩm 0% dùng làm phụ gia cho ngành bê tông…), nước sau khi tách khỏi tro bay được bơm tái tuần hoàn trả về nhà máy điện để phục vụ sản xuất.

Cuối cùng là phần sấy để đưa độ ẩm trong tro bay từ 15 đến 17% về dưới 1% bằng hệ thống lò sấy cánh vẩy tự động đảm bảo môi trường. Sản phẩm tro bay sau sấy được dùng làm phụ gia cho ngành bê tông, vật liệu xây dựng...

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận định: Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa và hàng năm sử dụng một lượng vật liệu xây dựng lớn. Riêng mặt hàng gạch ngói đã lên tới 20 – 24 tỷ viên gạch đất sét nung mỗi năm.

Bộ Xây dựng đã rất quyết liệt trong việc trình Chính phủ cơ chế thực hiện việc xử lý tro xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện làm vật liệu xây không nung.

Về lâu dài, phải coi phế thải của một số ngành công nghiệp hiện nay là nguồn nguyên liệu cho một số ngành khác, trong đó có vật liệu xây dựng.

Dây chuyền sản xuất kiểu này có giá trị thực tiễn lớn, góp phần bảo vệ môi trường cho địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế.


Theo Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)