Hà Nội : Một số dự án nhà ở cho người thu nhập thấp chậm được triển khai

Thứ sáu, 13/06/2014 07:15
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đó là đánh giá về quá trình thực hiện các dự án phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố mà Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra vào chiểu nay (12-6), tại cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì.

Dự án nhà ở xã hội cho người TNT Kiến Hưng.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có tổng số 34 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp (TNT). Trong đó có: 16 dự án thuộc chương trình Phát triển nhà (8 dự án nhà ở cho người TNT đã hoàn thành, với 3.917 căn hộ, tương đương 419.699m2 sàn xây dựng; 4 dự án nhà ở cho người TNT đang triển khai thực hiện và dự kiến hoàn thành trong năm 2015, với 3.394 căn hộ, tương đương 190.880m2 sàn xây dựng; 4 dự án nhà ở cho người TNT dự kiến triển khai trong năm 2015, với 8.292 căn hộ, tương đương 705.581m2 sàn xây dựng. 18 dự án chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội (theo Thông tư số 02/2013/TT-BXD ngày 8-3-2013 của Bộ Xây dựng), với dự kiến khoảng 4.990 căn hộ chuyển đổi thành 11.292 căn hộ nhà ở xã hội; trong số đó có 4 dự án đã được UBND thành phố phê duyệt quyết định cho phép điều chỉnh và đang triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành trong năm 2015, với 3.365 căn hộ, tương đương 332.200m2 sàn xây dựng.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, quá trình thực hiện chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội cho người TNT trên địa bàn thành phố đã gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Trong đó, một số dự án nhà ở cho người TNT đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, cho phép đầu tư nhưng chưa triển khai thực hiện, như: dự án nhà ở tại Bắc An Khánh của Tổng công ty Vinaconex và Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội (khoảng hơn 5.000 căn); dự án nhà ở tại Thanh Lâm, Đại Thịnh của Tập đoàn Phát triển Nhà và đô thị Hà Nội (khoảng 1.500 căn); dự án nhà ở thu nhập thấp tại Đông Anh của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội (khoảng 1.500 căn);... Một số nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở xa trung tâm thành phố, chưa thuận tiện về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thiếu hệ thống hạ tầng xã hội nên chưa hấp dẫn với người mua nhà TNT như dự án Thanh Lâm, Đại Thịnh (huyện Mê Linh).

Bên cạnh đó, một số dự án đã đầu tư xây dựng nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội xung quanh chưa đầu tư xây dựng đồng bộ (đường vào chưa xây dựng hoàn chỉnh, chưa có đèn chiếu sáng) nên chưa thuận tiện cho nhu cầu sử dụng của người dân, như dự án nhà ở xã hội cho người TNT tại Kiến Hưng (quận Hà Đông)...

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đồng ý với những giải pháp mà Sở Xây dựng đề xuất. Theo đó, khi xem xét chấp thuận các dự án nhà ở xã hội cho người TNT nội dung xem xét phù hợp với quy hoạch kiến trúc, cần xem xét phù hợp với kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của khu vực và đô thị. Bên cạnh đó, xác định tiêu chuẩn thiết kế, hoàn thiện nhà ở xã hội để xây dựng giá bán nhà, cho thuê nhà phù hợp với đối tượng sử dụng.

Theo : Báo Hà Nội Mới online

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)