Khởi sắc đô thị bên sông Sài Gòn
Với bề dày truyền thống lịch sử 300 năm xây dựng và phát triển, từ một đô thị nhỏ, chưa được quy hoạch, hạ tầng thiếu thốn, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân còn khó khăn, nhưng bằng những nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn thách thức, Thủ Dầu Một liên tục phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Đặc biệt là từ năm 2007, khi được công nhận là đô thị loại III cho đến nay, TP Thủ Dầu Một đã thực sự chuyển mình hội tụ đầy đủ các điều kiện theo tiêu chí của đô thị loại II và có một số chỉ tiêu đạt tiêu chí đô thị loại I: Kinh tế TP luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2010 - 2013 đạt 25%/năm. Cơ cấu kinh tế của TP từ cơ cấu công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp đã chuyển dịch theo cơ cấu thương mại, dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp và hiện tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ chiếm đến 61% năm 2013.
Lĩnh vực công nghiệp, TTCN và xây dựng của TP có tốc độ tăng trưởng cao. Hiện tại trên địa bàn đã có Khu Liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị, diện tích 4.196ha, trong đó có 6 KCN hình thành, thu hút 208 dự án đầu tư sản xuất với đa dạng ngành nghề, đã có 168 DN trong nước và DN có vốn nước ngoài đang hoạt động sản xuất. Tổng số DN trên địa bàn là 1.427 đơn vị. Các thành phần kinh tế trên địa bàn TP hoạt động ổn định và phát triển. Nhờ đó, năm 2013 ngành sản xuất công nghiệp của TP đạt giá trị hơn 80 nghìn tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 33%. Hiện nay công nghiệp đã có sự chuyển hướng tích cực sang đầu tư các ngành công nghệ cao, ít ô nhiễm và thân thiện với môi trường.
Đáng ghi nhận là lĩnh vực thương mại - dịch vụ, nhờ vị trí địa lý thuận lợi cho việc giao thông giữa các vùng, nên ngành thương mại dịch vụ ở TP đã phát triển mạnh, đồng thời đa dạng về các loại hình đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Trong giai đoạn 2010 - 2013, giá trị ngành dịch vụ thương mại đạt trung bình đạt 30 nghìn tỷ đ/năm, tốc độ tăng bình quân 28%. Đến nay, TP có trên 22 nghìn đơn vị kinh, cơ sở doanh thương mại, dịch vụ, đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế củaTP.
Do tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp ở TP ngày càng thu hẹp, song nhờ có định hướng phát triển phù hợp, nên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở TP đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trên địa bàn đã hình thành các vùng chuyên canh rau xanh, cây kiểng, cải tạo vườn tạp, chăn nuôi an toàn, đáp ứng chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất nông nghiệp đô thị. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2013 đạt 1.379 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 2.640USD, cao hơn bình quân chung cả nước 1,51 lần. TP không còn hộ nghèo (theo tiêu chí của Trung ương). Tỷ lệ đô thị hóa đạt 100%, với 97,7% lao động phi nông nghiệp; diện tích nhà ở bình quân 18,8 m2/người và 93,3% là nhà xây kiên cố, bán kiên cố; gần 100% các hộ dân sử dụng nước sạch; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom đạt trên 95%...
Cùng với chú trọng đầu tư phát triển kinh tế, các lĩnh vực y tế, giáo dục của TP cũng được đặc biệt quan tâm. Đến nay, 100% số trạm đạt chuẩn y tế phường xã; gần 50% số trường đạt chuẩn Quốc gia; từ lúc chưa có trường đại học, nay TP có 7 trường đại học, 3 trường cao đẳng và 7 trường trung cấp, mỗi năm đào tạo hàng chục nghìn sinh viên, cung cấp nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Thủ Dầu Một là TP vừa đậm nét truyền thống, vừa hiện đại, có môi trường sinh thái tốt.
Điểm nhấn của TP trong những năm gần đây là lĩnh vực đầu tư hạ tầng đô thị, tạo sự thay đổi rất lớn về diện mạo đô thị cũng như tạo ra động lực cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chỉ riêng từ giữa năm 2010 đến cuối qúy I/2014, TP đã đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng thực hiện nâng cấp và phát triển hạ tầng đô thị. TP Thủ Dầu Một đã khẳng định vị thế đô thị trung tâm của tỉnh Bình Dương trong quá trình công nghiệp hoá - đô thị hoá và nay đã hội đủ tiêu chí của TP loại II.
Là đô thị “hạt nhân” cho TP loại I Bình Dương
Theo chương trình đột phá về phát triển đô thị của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2010- 2015 và đến năm 2020 với mục tiêu là: Tỉnh Bình Dương sẽ trở thành đô thị công nghiệp, TP loại I trực thuộc Trung ương. Vì vậy Bình Dương nói chung và Thủ Dầu Một nói riêng sẽ tập trung phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực, quản lý quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng; nâng cao chất lượng, cảnh quan kiến trúc đô thị. Đô thị Thủ Dầu Một sẽ phát triển các khu du lịch sinh thái, khu đô thị dọc ven sông Sài Gòn và phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, trung tâm TP mới Bình Dương cũng được xây dựng để trở thành trung tâm hành chính mới của tỉnh, thúc đẩy và hỗ trợ cho sự phát triển của Thủ Dầu Một. Hai đô thị này sẽ hợp nhất để trở thành hạt nhân cho TP loại I Bình Dương vào năm 2020. Các công trình chính, như trung tâm hành chính tập trung tỉnh, trung tâm tài chính ngân hàng, khu đô thị hiện đại… đã đi vào hoạt động phục vụ cho cộng đồng.
Như vậy việc nâng cấp TP Thủ Dầu Một lên đô thị loại II phù hợp với định hướng phát triển đô thị quốc gia, của tỉnh Bình Dương, đồng thời là đòi hỏi khách quan, là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Thủ Dầu Một, đồng thời sẽ tạo điều kiện để TP phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế, đáp ứng vai trò là đô thị trung tâm của tỉnh Bình Dương và là một TP năng động, hiện đại của cả nước.
Theo Báo Xây dựng điện tử