Việc phát triển NƠXH là mục tiêu quan trọng được Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các sở, ngành hết sức quan tâm thực hiện, qua đó chương trình phát triển nhà ở của tỉnh đã được nghiên cứu và xây dựng từ năm 2006. Đến năm 2009 UBND tỉnh đã ra Quyết định số 02/2009/QĐ-UBND ngày 09/01/2009 quy định tạm thời điều kiện tối thiểu về nhà ở cho người lao động thuê để ở trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đến năm 2011 Đề án phát triển NƠXH của tỉnh đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2020 đã được phê duyệt, trong đó nêu rõ các mục tiêu:
Nhà ở sinh viên: Phấn đấu đạt 60% sinh viên có nhu cầu thuê nhà ở, được thuê nhà ở trong ký túc xá với diện tích ở tối thiểu là 4m2/sinh viên; đến năm 2015 xây dựng tổng quỹ nhà ở sinh viên với tổng số sinh viên được đáp ứng là 42.955 sinh viên, diện tích xây mới đạt 286.303 m2, đến năm 2020 là 92.970 sinh viên, diện tích lũy kế đạt 796.885 m2.
Nhà ở công nhân các KCN: Phấn đấu đạt 50% số công nhân có nhu cầu thuê nhà ở, được thuê nhà ở trong các dự án nhà ở công nhân với diện tích ở tối thiểu là 7m2/người; xây dựng tổng quỹ nhà ở công nhân các khu công nghiệp với tổng số công nhân được đáp ứng đến năm 2015 là 125.588 người, diện tích lũy kế đạt 1.465.183m2; đến năm 2020 là 290.089 người, diện tích lũy kế đạt 4.973.112 m2.
Nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị: Phấn đấu giải quyết được chỗ ở cho 50% cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị có nhu cầu được mua, thuê, thuê mua nhà ở với diện tích bình quân 45m2/căn hộ. Xây dựng tổng quỹ nhà ở cho người thu nhập thấp đến năm 2015 với tổng số được đáp ứng chỗ ở cho 24.285 hộ, diện tích xây dựng đạt 1.560.989m2; đến năm 2020 đáp ứng chỗ ở cho 43.021 hộ, diện tích xây dựng đạt 3.687.521 m2.
Giải pháp về cơ chế chính sách
Trên cơ sở cơ chế chính sách của Trung ương đối với chủ đầu tư dự án phát triển NƠXH, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 27/2012/QĐ-UBND ngày 25/5/2012 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc quy định cơ chế tài chính đối với các dự án phát triển NƠXH trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh theo đó ngoài các cơ chế chính sách của Trung ương, chủ đầu tư được hưởng các cơ chế chính sách ưu đãi của tỉnh như:
Được ứng vốn không phải chịu phí và lãi suất vay để thực hiện bồi thường GPMB (nếu có) từ ngân sách tỉnh hoặc Quỹ phát triển đất của tỉnh trong thời hạn 1 năm kể từ khi có phương án bồi thường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Được vay vốn đầu tư xây dựng các dự án xây dựng NƠXH từ Quỹ phát triển nhà ở của tỉnh (nếu có) với lãi suất ưu đãi trong thời gian 2 năm kể từ khi khởi công xây dựng công trình. (Lãi suất vay theo quy định của Quỹ phát triển nhà ở dự kiến tương đương lãi suất áp dụng cho các đối tượng chính sách xã hội thời điểm hiện tại là 5%/năm)…
Các dự án đầu tư xây dựng NƠXH được tạo điều kiện để thực hiện dự án theo cơ chế đặc biệt ưu đãi đầu tư. Yêu cầu giảm 30% thời gian xử lý hồ sơ của tất cả các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư NƠXH.
Thành lập Quỹ phát triển nhà ở tỉnh Bắc Ninh và ban hành quy chế quản lý. Yêu cầu chủ đầu tư các dự án phát triển NƠXH cam kết tiến độ triển khai các dự án nếu không thực hiện sẽ bị thu hồi. Các dự án NƠXH hiện có nếu chủ đầu tư không thực hiện sau 2 năm sẽ bị thu hồi để giao cho chủ đầu tư khác có đủ năng lực thực hiện.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất NƠXH. Về lâu dài, quy định về việc dành quỹ đất để đầu tư xây dựng NƠXH đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới, KCN thực hiện như sau:
Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới, không phân biệt quy mô diện tích đất (bao gồm cả dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT và hình thức BOT) tại các đô thị trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng NƠXH.
Việc bố trí quỹ đất để xây dựng NƠXH cho công nhân, người lao động làm việc tại KCN, cụm công nghiệp vừa và nhỏ thực hiện theo quy định.
Trường hợp KCN đang trong giai đoạn quy hoạch phải dành 5% tổng diện tích đất công nghiệp trong các đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở công nhân...
Về giải pháp công nghệ
Khuyến khích sử dụng, ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ và các loại vật liệu xây dựng mới phù hợp vào thi công xây dựng nhằm giảm thời gian và chi phí xây dựng, tiêu chí hướng tới là áp dụng tối đa điển hình hóa các cấu kiện, tăng cường sản xuất tại nhà máy và giảm nhân công thi công tại công trường, giảm tiến độ, dễ quản lý chất lượng công trình.
Đối với phần móng có thể lựa chọn: Móng cọc ép tiết diện vuông 300x300, 400x400 bê tông cốt thép dự ứng lực , móng băng kết hợp với hệ dầm giằng trên nền gia cố bằng công nghệ TOPBASE.
Đối với phần thân công trình khuyến khích sử dụng các phương án kết cấu mới như: Sàn Bubble Deck, bê tông đúc sẵn bán lắp ghép, tấm 3D, cột thép ống nhồi bê tông CFT… nhằm giảm giá thành ngay từ các cấu kiện, giảm thời gian thi công xây dựng và hạn chế ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh. Giải pháp sử dụng vật liệu: VLXD mới: VLXD địa phương: Các trang thiết sản xuất tại địa phương: Sản phẩm của Viglacera: Gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh.
Về hình thức phát triển NƠXH. Nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng NƠXH theo dự án bằng nguồn vốn ngân sách (Trung ương hoặc địa phương) hoặc mua lại các căn hộ từ dự án phát triển nhà ở thương mại hoặc nhận các căn hộ trong dự án phát triển nhà ở thương mại do chủ đầu tư bàn giao theo hình thức BT để tạo lập quỹ nhà ở công nhân thuộc sở hữu Nhà nước để cho thuê hoặc thuê mua;
Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng NƠXH theo dự án bằng nguồn vốn ngoài ngân sách để bán, cho thuê, cho thuê mua và được Nhà nước hỗ trợ, ưu đãi theo quy định;
Để thu hút mạnh các nhà đầu tư xây dựng NƠXH cần hỗ trợ tối đa cho chủ đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ cơ sở hạ tầng trong và ngoài hàng rào.
UBND tỉnh cần chỉ đạo xây dựng mô hình thí điểm tại các KCN đã cơ bản lấp đầy, có nhu cầu cao về nhà ở như KCN Quế Võ, KCN Yên Phong, KCN tiên Sơn, từ đó tổng hợp, đánh giá kết quả, đúc rút kinh nghiệm để nhân rộng và kêu gọi xã hội hóa trên địa bàn tỉnh.
Đối với các hộ gia đình có nhà ở cho công nhân thuê, Mhà nước xem xét các giải pháp về tín dụng hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi, đồng thời yêu cầu các hộ thực hiện nghiêm việc thu tiền điện nước và các loại phí khác đúng quy định.
Hỗ trợ về thủ tục hành chính
Các dự án đầu tư xây dựng NƠXH được tạo điều kiện để thực hiện dự án theo cơ chế đặc biệt ưu đãi đầu tư. Yêu cầu giảm 40% thời gian xử lý hồ sơ của tất cả các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư NƠXH.
Thành lập tổ công tác phát triển NƠXH gồm cán bộ, chuyên viên thuộc sở ban ngành như: Sở Xây dựng, Sở TN&MT, BQL các KCN Bắc Ninh, Sở KH&ĐT nhằm: Cập nhật các văn bản các văn bản mới nhất của Trung ương về các chính sách phát triển NƠXH, làm cơ sở tham mưu, đề xuất với lãnh đạo ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết tại địa phương phù hợp với điều kiện thực tế để đạt hiệu quả cao nhất theo quy định của pháp luật; Phổ biến các văn bản, hướng dẫn liên quan đến chủ chương chính sách phát triển NƠXH đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, từ đó nâng cao sự nhận thức đúng đắn và hiệu quả của các dự án theo chủ chương của Đảng và Nhà nước.
Quản lý, khai thác và sử dụng. Đối với NƠXH được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước thì chủ đầu tư dự án có trách nhiệm tổ chức quản lý việc sử dụng, vận hành và khai thác NƠXH. Việc quản lý sử dụng NƠXH là nhà chung cư được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở. Các dịch vụ quản lý vận hành NƠXH được hưởng các cơ chế như đối với dịch vụ công ích theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Đơn vị quản lý vận hành và khai thác NƠXH được quyền kinh doanh các dịch vụ khác trong khu nhà ở xã hội để tạo nguồn bù đắp chi phí quản lý vận hành, bảo trì nhằm giảm giá cho thuê nhà ở.
Cao Văn Hà
Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh