Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, nhất là trong 30 năm đổi mới nhưng TP Điện Biên Phủ-địa danh gắn với chiến thắng lẫy lừng chấn động địa cầuthì quy hoạch, phát triển đô thị lại không xứng tầm vóc của một thành phố di tích lịch sử giàu tiềm năng du lịch.
Đô thị Điện Biên Phủ chưa xứng địa danh anh hùng
Trưởng phòng Kiến trúc- Quy hoạch, Sở Xây dựng Điện Biên, ông Nguyễn Ngọc Thanh cho biết, riêng với TP Điện Biên Phủ, bắt đầu từ năm 2001, UBND tỉnh Điện Biên có quyết định điều chỉnh phê duyệt quy hoạch chung của thị xã Điện Biên Phủ lúc đó.
Đến năm 2003, thị xã Điện Biên Phủ được nâng cấp lên đô thị loại 3 và thành lập TP Điện Biên Phủ. Trong quá trình triển khai và thực hiện quy hoạch của thành phố vẫn triển khai các công trình quy hoạch xây dựng, các dự án khu vực, bố trí dân cư … theo hồ sơ UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch năm 2001 và hồ sơ quy hoạch của thị xã Điện Biên Phủ từ năm 1992 khi chia tách với tỉnh Lai Châu.
Theo ông Thanh, từ khi triển khai quy hoạch xây dựng thị xã Điện Biên Phủ cũng đã nảy sinh một số vấn đề bất cập do dân số phát triển nhanh. Theo dự báo, quy hoạch dân số thị xã Điện Biên Phủ năm 1992 có quy mô dân số 3 vạn người nhưng đến năm 2012 khi triển khai quy hoạch chung của TP Điện Biên Phủ đã lên đến 7,4 vạn người. Dân số tăng nhanh kéo theo đô thị phát triển rộng ra là tất yếu.
Diện tích đô thị mở rộng phụ thuộc vào quy mô phát triển dân số lan tỏa ra xung quanh, trong khi tỉnh chưa triển khai được quy hoạch chung của TP Điện Biên Phủ dẫn đến nhiều vùng thiếu kiểm soát việc phát triển đô thị ở thành phố này.
Do khi lên thành phố mà chưa có quy hoạch chung đã để lại nhiều bộn bề trong xây dựng đô thị, mãi đến năm 2008 mới có quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch thành phố.
Nguyên nhân của sự chậm trễ này, theo ông Thanh do tỉnh không có điều kiện về nguồn vốn.
Sẽ có bước đột phá trong quy hoạch phát triển
Đến năm 2011, nhiệm vụ quy hoach chung được tỉnh phê duyệt. Từ quy hoạch chung này, mới thể hiện bước đột phá phát triển đô thị của TP Điện Biển Phủ. “Theo quy hoạch trước kia, toàn bộ dọc khu trung tâm hiện hữu để bố trí các công trình công cộng, trụ sở các cơ quan ban ngành thì theo quy hoạch chung phê duyệt năm 2011, mục tiêu chúng tôi sẽ bốc toàn bộ khu trung tâm này vào trung tâm phía đông Noong Bua và dành toàn bộ quỹ đất tại trung tâm hiện hữu để bố trí các công trình mang tính chất phục vụ như dịch vụ, thương mại, văn hóa, bảo tàng và di tích lịch sử…”- Ông Thanh cho biết.
Nhìn chung, đây là một quy hoạch rất đúng đắn đã nhận được các ý kiến tâm huyết của các kiến trúc sư đầu ngành của Hội nghị kiến trúc sư Việt Nam. Đa số ủng hộ quan điểm cho rằng, triển khai di dời toàn bộ trung tâm hiện hữu này vào trung tâm khu đô thị phía đông Noong Bua. Hiện nay, 3 quy hoạch ở khu đô thị phía đông Noong Bua đã được Hội đồng xét duyệt, duyệt quy hoạch thống nhất và nhất trí cao. Hiện những quy hoạch đã hoàn thiện hồ sở thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt. “Chúng tôi đang chờ phê duyệt quy hoạch triển khai cụ thể quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết trong khu đô thị phía đông Noong Bua”- Ông Thanh cho biết.
Đối với công tác quy hoạch khu trung tâm hiện hữu, về phía Sở Xây dựng đã mời những kiến trúc sư đầu ngành của Hội Kiến trúc sư Việt Nam lên làm việc để chuẩn bị cho việc lập nhiệm vụ quy hoạch và triển khai quy hoạch phân khu tại trung tâm hiện hữu.
“Khi nghiên cứu Quy hoạch chung, 1 trong 7 chiến lược phát triển đô thị thành phố Điện Biên Phủ, được chúng tôi quan tâm trong đó có nội dung dãn bớt mật độ dân cư tại trung tâm hiện hữu do hạ tầng kỹ thuật đang bị quá tải, theo đó sẽ dãn dân vào khu đô thị phía đông Noong Bua, theo quy hoạch ở khu đô thị mới này bố trí khu tái định cư, nhà xã hội… nhằm giảm bớt mật độ xây dựng tại khu trung tâm này”- Ông Thanh cho biết.
Quy mô khu đô thị mới Noong Bua, được quy hoạch thành 3 khu chức năng: Trung tâm hành chính- chính trị có diện tích hơn 100 ha để bố trí di chuyển toàn bộ các công trình công cộng thuộc cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập để dành quỹ đất để đấu giá và đầu tư theo mục đích quy hoạch chung. Tại đây tương lai sẽ hình thành một khu thương mại và bảo tàng dân tộc, rạp chiếu phim… Một khu đa chức năng dọc theo trục đường 60m kết nối với trung tâm hành chính- chính trị ở phía bắc thành phố. Đây là khu dịch vụ thương mại, nhà vườn, nhà ở tái định cư, các công trình hiện đại cao tầng…
Theo dự kiến, quy hoạch khu đô thị mới đông Noong Bua đến năm 2020 sẽ khởi động đầu tư. Hiện nay một số dự án đã triển khai như tuyến trục đường giao thông chính nối từ trung tâm hiện hữu, nối từ phía bắc của thành phố vào khu trung tâm hành chính- chính trị tỉnh mới. Cụ thể, đường Hoàng Văn Thái vào khu tái định cư Noong Bua đang chuẩn bị đưa ra đấu thầu thi công hoặc khu đường phía bắc sử dụng nguồn vốn tái định cư thủy điện Sơn La cho dân tái định cư thủy điện Sơn La ở Noong Bua…
“Để triển khai các dự án thành phần ở Noong Bua, chúng tôi đang huy động rất nhiều nguồn vốn. Theo tính toán đơn giá đất năm 2013 của trung tâm hiện hữu khi “bốc” đi sẽ thu được khoảng 800 tỷ đồng. Đây là khối lượng vốn cơ bản nhưng để có được khoản vốn này thì phải hoàn thành khu đô thị Noong Bua trước mới có thể đấu giá”- ông Thanh nói.
Về nguồn vốn để thực hiện các dự án ở Noong Bua, dự kiến sẽ huy động từ nhiều nguồn: vốn vây ngân hàng khoảng 500 tỷ đồng để đầu tư trước trục đường 60 m. Sau đó sẽ đấu giá đất tại trục đường này cho các văn phòng đại diện, các doanh nghiệp, đơn vị có tiềm lực kinh tế để tạo nguồn thu.
Một nhiệm vụ quan trọng sắp tới với ngành quy hoạch- kiến trúc Điện Biên là làm quy hoạch phân khu tại trung tâm hiện hữu. Theo quan điểm của lãnh đạo Sở Xây dựng, trung tâm thành phố hiện nay chính là bộ mặt thành phố quan trọng nhất của tỉnh Điện Biên, thường xuyên đón tiếp khách du lịch trên thế giới. Vì thế, quy hoạch mang tính chất tập trung chủ yếu vào di tích lịch sử và thiết kế kiến trúc cảnh quan. “Mặc dù đang lập nhiệm vụ và chưa thẩm định nhưng ý tưởng, mục địch quy hoạch là hoàn trả lại đất di tích lịch sử mà trước kia chưa thực sự được quan tâm”, ông Thanh nói.
Quan điểm của các chuyên gia kiến trúc đầu ngành cũng cho rằng: “Kiến trúc cảnh quan khu trung tâm hiện hữu nên bố trí nhà ở thấp tầng làm sao từ các điểm di tích lịch sử có thể nhìn ra cánh đồng Mường Thanh mà không bị che tầm nhìn. Đồng thời quy hoạch phải giữ được công viên ven sông Nậm Rốm và hồ, đảm bảo đáp ứng cho nhân dân thành phố Điện Biên Phủ và du khách”- Ông Thanh cho biết./.
Theo : VOV online