Ngày 5/4, tại buổi giới thiệu tổng quan thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh quý 1/2011, Công ty Savills Việt Nam cho biết, trong quý 1/2011, giá thuê văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giảm 3% so với quý 4/2010, đạt khoảng 29 USD/m2/tháng.
Một góc TP.HCM. (Ảnh: Internet)
Trong khi đó, thị trường bán lẻ trên toàn thị trường tăng trung bình 1% so với quý trước, đạt 75 USD/m2/tháng.
Ông Trương An Dương, Trưởng bộ phần Nghiên cứu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong quý 1/2011, thị trường văn phòng đón nhận 6 tòa nhà văn phòng mới, cung cấp khoảng 70.000 m2 nâng tổng nguồn cung tăng 7% so với quý 4/2010, đạt 1,1 triệu m2.
Nguồn cung tăng đáng kể đã làm cho công suất thuê giảm 3 điểm phần trăm, đạt mức 80%, trong đó văn phòng hạng B tiếp tục dẫn đầu nguồn cung với 46% thị phần, tăng 5% so với quý trước. Hầu hết các chủ tòa nhà văn phòng đều giảm giá thuê khi nguồn cung tiếp tục tăng nhằm giữ chân khách thuê hiện tại và thu hút khách thuê mới để lấp đầy những diện tích còn trống.
Lượng tiêu thụ văn phòng hạng B tăng 45% so với quý trước cho thấy nhu cầu cao của khách thuê đối với loại văn phòng này do có mức giá cạnh tranh với địa điểm, dịch vụ và cơ sở vật chất tốt.
Theo ông Trung, hiện nay trên thị trường văn phòng cho thuê ở Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất nhiện xu hướng nhiều khách thuê đã chuyển từ hạng A xuống hạng B và từ hạng B sang hạng B. Khu trung tâm vẫn thu hút nhiều khách thuê nhất với tổng lượng tiêu thụ tại quận 1 tăng 33% và quận 3 tăng 21% so với quý trước.
Các chuyên gia của Savills cho rằng, hiện nay khách thuê đang có nhiều sự lựa chọn cả về giá thuê, vị trí thuê do nguồn cung dồi dào. Nhu cầu văn phòng trong quý 1/2011 gia tăng chủ yếu là từ sự mở rộng của các doanh nghiệp đang hoạt động.
Mặt khác, nhu cầu thuê văn phòng của các ngân hàng trong nước đang có xu hướng gia tăng khi các ngân hàng này mở chi nhánh ngày càng nhiều trong các tòa nhà văn phòng. Vốn FDI đăng ký mới và bổ sung của Thành phố Hồ Chí Minh trong quý 1/2011 tăng 262% so với cùng kỳ năm ngoái, do đó dự báo nhu cầu văn phòng sẽ gia tăng.
Dự đoán về tương lai của thị trường văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới, Savills Việt Nam cho rằng, từ 2012 trở đi, dự kiến sẽ có khoảng 960.000 m2 diện tích văn phòng được đưa vào thị trường, điều này sẽ gây áp lực làm giá thuê tiếp tục giảm.
Tổng nguồn cung trong năm 2011 dự kiến đạt 140.000 m2, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Các tòa nhà văn phòng tương lai tập trung chủ yếu tại quận 1, 7, 4 và Tân Bình dự kiến sẽ thu hút nhiều khách thuê trong tương lai vì hai quận này nằm gần khu vực trung tâm với hệ thống giao thông tốt và có mức giá thuê hợp lý.
Trái ngược với thị trường giá cho thuê văn phòng giảm, thị trường bán lẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh đang có chiều hướng tăng, tuy chỉ ở mức tăng nhẹ. Giá thuê trung bình trong toàn thị trường tăng 1% so với quý trước, đạt 75 USD/m2/tháng.
Theo ông Dương, nguyên nhân chính là do các yếu tố kinh tế vĩ mô thay đổi. Giá thuê tăng làm công suất thuê của thị trường giảm khoảng 3% so với quý trước. Nhu cầu về diện tích bán lẻ ở khu vực trung tâm có thể tăng trong ngắn và trung hạn do nhiều nhà bán lẻ quốc tế đang chuẩn bị gia nhập thị trường. Tuy nhiên, mức giá thuê tăng ở các trung tâm bán lẻ có thể dẫn đến xu hướng người thuê sẽ tìm kiếm mặt bằng ở các cửa hàng nằm trên các trục đường chính với giá thuê hợp lý hơn.
Trong quý 1/2011, Thành phố Hồ Chí Minh đón nhận thêm hai trung tâm bán lẻ mới khiến tổng cung của thị trường tăng thêm khoảng 7.000m2.
Hiện toàn thành phố có 7 trung tâm thương mại, 19 trung tâm mua sắm, 7 khối đế bán lẻ, 59 siêu thị và 3 trung tâm bán sỉ với tổng diện tích khoảng 630.000m2, tăng nhẹ 1% so với quý trước. Trong quý này, diện tích bán lẻ khu vực nội thành tăng 10%, chiếm thị phần cao nhất trong thị trường bán lẻ.
Khu vực trung tâm vẫn là địa điểm hấp dẫn nhất cho các chủ đầu tư và nhà bán lẻ bởi vị trí đắc địa và doanh thu cao. Tuy nhiên, đây là khu vực chiếm thị phần nhỏ nhất trong ba khu vực do diện tích có hạn và giá đất cao. Quận 2 và 7 là các khu đô thị mới đã và đang thu hút một lượng lớn người có thu nhập cao. Do đó nhu cầu mua sắm cũng như nhu cầu về các trung tâm bán lẻ ở đây là rất lớn.
Sự tăng trưởng rất nhanh của thị trường bán lẻ là một trong những yếu tố chính giúp Việt Nam trở thành một địa điểm đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên giá thuê mặt bằng quá cao ở Việt Nam là thách thức lớn cho cả các nhà bán lẻ hiện tại và tương lai./.
Theo TTXVN/Vietnam+