Điều chỉnh quy hoạch Thành phố bên sông Hồng: Ưu tiên phát triển không gian xanh

Thứ hai, 28/02/2011 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lồng ghép dự án sông Hồng đoạn qua Hà Nội vào quy hoạch chung Thủ đô, dư luận đang rất quan tâm đến định hướng phát triển của khu vực này. Khác với ý tưởng của phía đơn vị tư vấn Hàn Quốc đưa ra về một TP bên sông tập trung nhiều trung tâm thương mại, tài chính, sau khi lồng ghép vào quy hoạch Thủ đô, nơi đây sẽ được ưu tiên phát triển không gian xanh, hạn chế nhà cao tầng.

Thành phố bên sông Hồng với những không gian xanh trải dài.

Không gian văn hóa quý hơn nhà cao tầng

Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Dương Đức Tuấn, Thủ tướng yêu cầu lồng ghép dự án sông Hồng đoạn qua Hà Nội vào quy hoạch chung của Thủ đô. Dự kiến, cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm nay, Thủ tướng sẽ xem xét phê duyệt quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội đồng nghĩa với việc duyệt nội dung khung của quy hoạch TP ven sông Hồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Tuấn cho biết, việc một số đơn vị báo chí gọi việc lồng ghép dự án TP ven sông Hồng vào quy hoạch chung của Thủ đô là "tái khởi động" dự án này là không chính xác vì thực tế chưa hề dừng hay tạm dừng. TP Hà Nội đã ký kết với thành phố Seoul (Hàn Quốc) thỏa thuận giai đoạn 2 dự án quy hoạch phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội từ tháng 7/2009 và hiệu lực đến năm 2011. Ông Tuấn cho rằng, thời gian gần đây, dự án này "im ắng" là bởi lẽ Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo bằng văn bản cụ thể là yêu cầu các cấp, các ngành phải lồng ghép nghiên cứu Quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội vào đồ án quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội.

Những nội dung lồng ghép của dự án sông Hồng vào quy hoạch chung của Thủ đô là những nội dung cơ bản và nguyên tắc nhất. "Sau khi Thủ tướng Chính phủ xem xét quy hoạch chung của Thủ đô, đồng nghĩa với việc duyệt nội dung khung của quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội mà đã được lồng ghép vào quy hoạch chung, chúng tôi sẽ triển khai các quy hoạch lớp sau", ông Tuấn cho biết. Theo thiết kế ban đầu, dự án TP ven sông Hồng đoạn qua Hà Nội có 4 khu chức năng, dự kiến vốn đầu tư trên 7 tỷ USD và phải di dời 39.100 hộ (170.000 dân). Sau khi hoàn thành, sông Hồng sẽ trở thành trục không gian chính của thành phố Hà Nội với những cao ốc tài chính quốc tế, chung cư cao cấp, công viên đô thị ở ven bờ sông.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Dương Đức Tuấn cho biết, trong quy hoạch lần này, các khu vực ven sông Hồng thuộc Thượng Cát (Đan Phượng), Tầm Xá (Đông Anh), bãi Tứ Liên - Nhật Tân (Tây Hồ) và một dải đất ven sông gần làng cổ Bát Tràng đã được tô xanh rì - biểu tượng của đất cây xanh và công viên giải trí. Điều này khác hẳn với bản quy hoạch "Đô thị ven sông Hồng" được phía Hàn Quốc tư vấn đưa ra năm 2007, những nơi này được phát triển thành trung tâm thương mại tài chính với rất nhiều các công trình cao tầng. Có thể thấy, như vậy, mục tiêu chính của quy hoạch lần này là giãn mật độ xây dựng, hạn chế công trình cao tầng, biến nhiều đoạn hai bên sông Hồng trở thành công viên cảnh quan…

 "Khi làm quy hoạch chung thì thấy đây là khu vực quý hiếm, nên trọng tâm cơ bản là tổ chức không gian xanh, không có nhà cao tầng ở khu vực này. Thay vào đó, sẽ là công trình văn hóa của Thủ đô. Vì vậy những khu vực nào xuất hiện mới, có nguồn gốc sai trái, không phù hợp, kể cả trường hợp có tạm xác lập được nguồn gốc điều kiện phường nào đó, thì nay cũng phải thực thi theo quy hoạch mới", ông Tuấn khẳng định.

Sau khi điều chỉnh, dự án vẫn đảm bảo không gian giữa tả và hữu ngạn sông Hồng với khu đô thị trung tâm. Đoạn qua Hà Nội mở rộng dự kiến sẽ thành một phân khu. Cũng theo ông Tuấn, phía Hàn Quốc chỉ là đối tượng nghiên cứu quy hoạch TP ven sông Hồng. Dự án sẽ kêu gọi nhà đầu tư trên từng hạng mục như quy hoạch về phát triển hai bên bờ, phát triển đô thị, nhà ở công trình văn hóa và công viên xanh.

Ưu tiên tái định cư tại chỗ cho 170.000 dân

Quy hoạch đã thay đổi, 39.000 hộ dân tương ứng 170.000 dân dự kiến phải di dời sẽ ra sao? Câu hỏi này đã được ông Tuấn giải thích, sau khi quy hoạch chung được duyệt, dự án TP ven sông Hồng sẽ phải lập quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Ứng với mỗi quy hoạch chi tiết có một dự án đầu tư, lúc đó mới tính đến vấn đề về vốn, kêu gọi đầu tư và giải phóng mặt bằng. 39.000 hộ dân sẽ được ưu tiên tái định cư tại chỗ. Tuy nhiên, trước khi tính đến việc di dời dân cư, do đặc thù phức tạp của các cụm dân cư dọc ven sông Hồng, công việc quan trọng hàng đầu hiện nay là phải kiểm soát được mật độ xây dựng ở các khu vực này; Khoanh vùng các đối tượng có nguồn gốc đất khác nhau; Và không cấp bất cứ một thỏa thuận nào có thể dẫn tới việc bổ sung thêm dân, chuyển đổi mục đích sử dụng đất gây phiền toái cho quá trình di dời thực hiện quy hoạch sau này. Vì vậy, người dân và các nhà đầu tư nên thận trọng tìm hiểu kỹ quy hoạch và nguồn gốc đất đai khi quyết định bỏ tiền vào các bất động sản ven bờ sông Hồng. Một số nhỏ dân cư còn lại sẽ được tái định cư phụ cận sang bên Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh. Nhưng đây là chương trình của phát triển dự án đầu tư, hiện nay mới đang trong giai đoạn quy hoạch. Sau khi quy hoạch được duyệt đến việc dự án đầu tư, lúc đó mới tính đến đền bù giải phóng mặt bằng.

Theo ông Tuấn, về cơ bản, đây là bản quy hoạch cuối cùng về trục cảnh quan sông Hồng. Vì vậy, để trả lại vị thế quan trọng là mặt tạo lập giá trị cho Thủ đô, "trục cảnh quan sông Hồng" lần này được quy hoạch với nhiều đoạn được biến thành công viên cây xanh, công viên mặt sông liên tục dọc hai bên bờ sông. Phát triển nhiều công trình vui chơi giải trí, các tiện ích đô thị. Với những thay đổi gần như "đảo ngược" về nội dung cơ bản, theo ông Tuấn, chỉ cần 10 năm có thể đủ thời gian để hoàn thành dự án này.


Theo CAND

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)