Ngày 14/1, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã đồng ý với đề xuất của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, các đơn vị tư vấn về xây dựng đường trên cao tại tuyến vành đai 2, 3 và các trục hướng tâm; giao cho Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nghiên cứu đề án đường trên cao để trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Ngoài cầu vượt, Hà nội sẽ xây dựng thêm nhiều tuyến đường trên cao
Theo ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI), hàng loạt các tuyến đường của Hà Nội có thể xây dựng đường trên cao với định hướng từ vành đai 2 trở ra như đoạn đường từ cầu Vĩnh Tuy đến Bưởi với mặt cắt 50-70m, đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long.
Ngoài ra, các trục hướng tâm phía hữu ngạn sông Hồng cũng cần xây dựng cầu vượt như các tuyến đường Âu Cơ-Trần Quang Khải, Trần Duy Hưng-Liễu Giai-Hồ Tây, Hà Đông-Thanh Xuân-Láng Hạ-Giảng Võ, Kim Giang-đường 70.
Ông Sơn cho rằng, ưu điểm của đường trên cao là không phải giải phóng mặt bằng nhiều mà giải quyết được lưu lượng giao thông lớn. Tuy nhiên, loại đường này thích hợp cho các tuyến dài và có thể ảnh hưởng phần nào đến mỹ quan đô thị.
Đồng quan điểm trên nhưng bà Lã Thị Kim Ngân, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho rằng, việc xây đường trên cao tại tuyến vành đai 1 sẽ liên quan đến quản lý không gian, bảo tồn khu phố cổ, khu cũ. Việc xây dựng đường trên cao tuyến đường trên đê sông Hồng cũng không nên làm vì cũng mất mỹ quan do ở khu vực này có không gian mở.
Hiện nay, hầu hết các tuyến đường nội đô Hà Nội đang quá tải phương tiện giao thông, tình trạng ùn tắc diễn ra phổ biến. Vì vậy, việc xây dựng đường trên cao được coi là điểm đột phá giải quyết ùn tắc giao thông của Thủ đô./.