Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Đại học Quốc gia TP.HCM.
Theo đó, diện tích đất sau khi điều chỉnh quy hoạch là 643,7 ha, quy mô đào tạo đến năm 2030 là 65.000 sinh viên. Khu đất Đại học Quốc gia TPHCM thuộc địa phận các tỉnh Bình Dương và TP.HCM; có phía Bắc giáp phường Bình An, phường Đông Hòa - thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương; phía Nam giáp đại lộ Xuyên Á, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM và Trường Đại học Thể dục thể thao Trung ương II; phía Đông giáp Viện Công nghệ sinh học nhiệt đới, Trường Đại học An ninh, quốc lộ 1A và khu dân cư phường Bình An - thị xã Dĩ An; phía Tây giáp phần còn lại của phường Linh Xuân, quận Thủ Đức.
Ranh giới và diện tích lập điều chỉnh quy hoạch sẽ được xác định cụ thể thông qua công tác rà soát lại hệ thống mốc giới dự án ở bước lập đồ án điều chỉnh quy hoạch. Việc lập điều chỉnh quy hoạch nhằm rà soát, hoàn chỉnh dự án theo các yêu cầu phát triển mới về quy mô đào tạo, bối cảnh phát triển của khu vực và hoàn thiện khu vực dự án trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia. Đồng thời, là cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng, lập mới hoặc điều chỉnh quy hoạch chi tiết các dự án thành phần tỷ lệ 1/500.
Nguyên tắc thiết kế cần đảm bảo tính thống nhất đồng bộ của toàn bộ dự án, phù hợp và kế thừa nội dung quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 khu Đại học Quốc gia TP.HCM đã được phê duyệt trước đây; hoàn thiện không gian đô thị đại học đặc thù, chất lượng cao phục vụ hoạt động nghiên cứu, đào tạo; đề xuất các giải pháp thiết kế phù hợp với địa hình, hạn chế san lấp, tận dụng các đặc trưng địa hình để tạo cảnh quan chung; quản lý chung hệ thống hồ nước và công viên cây xanh với các chỉ dẫn thiết kế đô thị để làm cơ sở thống nhất không gian, kiến trúc cảnh quan chung.
Theo nhiệm vụ điều chỉnh này, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu cần quy hoạch mạng lưới giao thông và phân loại tuyến đường trên cơ sở nghiên cứu xu hướng sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giao thông đi bộ, đi xe đạp trong khu Đại học Quốc gia TP.HCM. Nghiên cứu kết nối với mạng lưới giao thông của khu vực. Xác định vị trí quy mô, số lượng các công trình giao thông; mặt cắt ngang các loại đường cải tạo, xây dựng mới.
Theo SGGP