Tầm soát vùng ngập lụt tại đô thị
Như nhiều đô thị khác tại Miền Trung, dòng sông tại Đà Nẵng có độ dài ngắn, độ dốc lớn, mùa mưa nước dâng cao nhanh gây ngập, mùa khô nước xuống thấp gây nhiễm mặn nên dễ bị tác động của biến đổi khí hậu. Với việc xây dựng một Mô hình Thủy văn và mô hình mô phỏng sự phát triển đô thị Đà Nẵng sẽ là một cơ sở dữ liệu quan trọng đối với công tác quy hoạch xây dựng đô thị trước sự tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Trên cơ sở mô hình này thiết lập được các bản đồ ngập lụt đô thị ứng với các kịch bản khác nhau về phát triển đô thị, BĐKH và nước biển dâng. Từ đó định hướng việc nghiên cứu đề ra các quy định, hướng dẫn cụ thể liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo phát triển đô thị bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong tương lai.
Với mô hình này sẽ xác định được một số khu vực tại Đà Nẵng và phụ cận không chịu ảnh hưởng lũ lụt và những khu vực có nguy cơ ngập lụt cao không chỉ hiện nay mà cả trong tương lai. Đối với một số khu vực như Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Phú, Hòa Ninh nằm phía Tây huyện Hòa Vang không bị ảnh hưởng của lũ lụt nên ưu tiên cho việc phát triển các khu đô thị mới, các ngành công nghiệp dịch vụ quan trọng. Đối với các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi ngập lụt như hạ lưu sông Vu Gia, Thu Bồn, sông Cu Đê cần tập trung ưu tiên công tác quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hoạch đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trong đó xác định cao độ nền xây dựng và giải pháp thoát lũ.
Mô hình được chọn sử dụng đó là mô hình thủy văn MIKE NAM và MIKE FLOOD cho hai lưu vực sông Vu Gia- Hàn và Cu Đê. Với mô hình thủy văn, thủy lực, bản đồ về tình trạng ngập lụt ứng với các kịch bản tần suất khác nhau từ 1% đến 10%. Với điều kiện số liệu có, việc sử dụng mô hình MIKE NAM để mô phỏng sự ngập lụt trên lưu vực sông tại Đà Nẵng là phù hợp cho tương lai. Các bản đồ ngập lụt thể hiện được vị trí , độ sâu ngập theo các tầm suất 1%, 2%,3%, 5%, 10% năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Dự án bước đầu đã xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về các tác động của BĐKH đến sự phát triển kinh tế, xã hội và quy hoạch đô thị. Các mô hình thủy văn, thủy lực và các bản đồ ngập lụt đô thị thích ứng với các kịch bản phát triển đô thị, kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng khác nhau. Từ đó góp phần định hướng quy hoạch thành phố có tính đến điều kiện khí hậu. Đánh giá được tác động của BĐKH lên đô thị và quá trình phát triển đô thị tác động đến ngập lụt.
Đơn vị tài trợ, đơn vị tư vấn cho Dự án Mô hình Thủy văn và Mô phỏng sự phát triển đô thị Đà Nẵng
Ông Lê Tùng Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết: Cũng như tất cả các mô hình, chương trình phần mềm quản lý tương tự khác, việc hoàn thành xây dựng Mô hình Thủy văn-thủy lực nêu trên mới chỉ là bước đầu của một quá trình rất dài đòi hỏi các tổ chức, cá nhân liên quan cần sử dụng, tiếp tục cập nhật và phát triển mô hình liên tục trong thời gian tới thì mới đạt được độ tin cậy cao nhất và mới phát huy được hiệu quả thiết thực vốn có của nó. Sở Xây dựng Đà Nẵng cam kết sẵn sàng chia sẻ kết quả, thông tin của dự án với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời Sở Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan cập nhật, phát triển mô hình để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng; góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng phát triển bền vững trong tương lai.
Kinh nghiệm cho các thành phố khác học hỏi
Dự án Mô hình Thủy văn và Mô phỏng sự phát triển đô thị là dự án đầu tiên được triển khai tại Đà Nẵng và cũng là dự án đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Và đây cũng là một trong 5 dự án ISET đã nhận tài trợ của Quỹ Rockefeller nằm trong khuôn khổ chương trình Mạng lưới các thành phố Châu Á chống chịu với BĐKH được thực hiện tại 10 thành phố trong 4 nước Châu Á. Dự án đã kiến nghị nhiều nội dung cần quan tâm trong việc quy hoạch và phát triển đô thị Đà Nẵng trong thời gian tới. Đặc biệt đã đề ra các giải pháp, hành động cần thiết để giảm thiểu tác động của ngập lụt do BĐKH và nước biển dâng. Góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng phát triển đô thị.
Ông Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật- Bộ Xây dựngcho biết: Hiện nay, Đà Nẵng đã và đang lập điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, kết quả của dự án đóng góp vào công tác quy hoạch này rất lớn sẽ giúp cho việc đánh giá đất xây dựng thuận lợi trên cơ sở khoa học, qua đó lựa chọn hướng phát triển đô thị hợp lý, chọn cao độ xây dựng nền phù hợp. Đồng thời là cơ sở đề ra những giải pháp mang tính công trình, phi công trình, góp phần bảo vệ thành phố trước tác động của biến đổi khí hậu.
Bà Ngô Thị Lệ Mai, Đại diện ISET tại Việt Nam, đơn vị tài trợ dự án cho biết: Chúng tôi hy vọng rằng mô hình được xây dựng từ dự án này sẽ giúp Đà Nẵng định hướng tốt hơn trong việc quy hoạch thành phố có tính đến điều kiện khí hậu và đặc biệt yêu cầu quy hoạch phát triển đô thị phải giải quyết các tác động của BĐKH đến thủy văn, môi trường sẽ giúp Đà Nẵng có những quyết định thích hợp để phát triển đô thị bền vững trong tương lai.
Ông Tiến cho biết thêm: Dưới sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng và sự giúp đỡ của Chính phủ Đức, sắp tới 5 thành phố tại Việt Nam gồm, Sóc Trăng, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Nha Trang, Tuy Hòa sẽ xây dựng hoặc thiết lập bản đồ ngập lũ cũng như lập quy hoạch thoát nước có tính đến BĐKH, trên cơ sở bài học từ dự án tại Đà Nẵng, Chúng tôi sẽ khuyến cáo hoặc sẽ giới thiệu với các thành phố học tập cách làm như Đà Nẵng.
Theo Báo Xây dựng điện tử