Căn cứ điều kiện thực tiễn và nhiệm vụ chính trị, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật cần tập trung vào các nội dung chính sách, quy định mới, nhất là nội dung các luật được Quốc hội thông qua trong năm 2019; tập trung phổ biến, tuyên truyền các lĩnh vực pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; lao động, bảo vệ môi trường, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn trường học; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, khiếu nại, tố cáo; phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em, bạo lực học đường, bạo lực gia đình, tội phạm, các tệ nạn xã hội và cháy nổ; bảo đảm trật tự đô thị, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và các vấn đề khác của xã hội được dư luận quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; tăng cường thông tin về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện đồng bộ các biện pháp đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thiện pháp luật về đầu tư công, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, chính sách người có công, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; cải cách chính sách pháp luật về đất đai, bảo hiểm xã hội…Đẩy mạnh giáo dục ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luậtgóp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Công văn cũng nhấn mạnh cần xác định hưởng ứng Ngày Pháp luật là việc làm hàng ngày, thường xuyên của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động lựa chọn hình thức hướng ứng Ngày Pháp luật phù hợp, thiết thực, hiệu quả, gắn vơi thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, trong đó có thể tham khảo một số hình thức hưởng ứng cụ thể như: Tổ chức mít-tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật hoặc lồng ghép hưởng ứng thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm, qua hoạt động chính trị, chuyên môn phù hợp với điều kiện thực tiễn; triển khai Ngày pháp luật gắn với tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Tổng kết, đánh giá, tôn vinh tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân tuân thủ, chấp hành chính sách, pháp luật. Đặc biệt trong tháng cao điểm tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật, khuyến khích các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức hoạt động đối thoại chính sách - pháp luật, tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân và doanh nghiệp…
Về thời gian thực hiện, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật cần tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, đặc biệt trong tháng cao điểm bắt đầu từ ngày 10/10 đến ngày 10/11/2019.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng ký Quyết định số 1373/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2019 của Bộ Tư pháp. Kế hoạch đã xác định cụ thể các hoạt động nhằm thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đưa việc triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật trở thành hoạt động thường xuyên, góp phần tạo sức lan tỏa trong đời sống xã hội; đưa việc học tập, tìm hiểu pháp luật trở thành công việc tự thân, hằng ngày của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, thi hành pháp luật, tạo chuyển biến căn bản trong ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của toàn Ngành Tư pháp./.
Theo moj.gov.vn