Hưởng nhiều ưu đãi
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hiệp - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng - cho biết, việc khuyến khích sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung đã được quy định trong nhiều cơ chế, chính sách. Chẳng hạn, tại Chương trình phát triển vật liệu xây không nung theo Quyết định số 567/QĐ-TTg đưa ra mục tiêu hàng năm sử dụng 15 - 20 triệu tấn phế thải công nghiệp như tro, xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao… để sản xuất vật liệu xây không nung; tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công. Hơn nữa, còn quy định, từ năm 2011, các công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây không nung loại nhẹ trong tổng số vât liệu xây.
Đặc biệt, theo Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP quản lý vật liệu xây dựng đã có các ưu đãi đầu tư cho dự án sản xuất vật liệu xây không nung loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1.000 kg/m3) có công suất cho một dây chuyền từ 50.000 m3/năm trở lên; dự án sản xuất gạch bê tông (gạch xi măng - cốt liệu) có công suất cho một dây chuyền từ 10 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm trở lên.
Bên cạnh đó, còn được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định tại Khoản 1, Điều 15 Luật Đầu tư. Cụ thể, được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất… Ngoài ra, còn được hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ theo quy định tại Điều 9 và Điều 39 của Luật Chuyển giao công nghệ…
“Nếu muốn đưa gạch không nung ứng dụng rộng rãi vào thực tế thì giá cả phải hấp dẫn và thông tin phải đến người sử dụng một cách đầy đủ. Chính các ưu đãi này sẽ giúp hạ giá thành cho sản phẩm gạch không nung” - Tiến sĩ Nguyễn Quang Hiệp nói.
Đồng quan điểm, PGS-TSKH. Bạch Đình Thiên - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng vật liệu xây dựng nhiệt đới, Trường Đại học Xây dựng - cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền để gạch không nung được đón nhận nhiều hơn trong cuộc sống.
Đầu tư công nghệ tiên tiến
Theo PGS-TSKH. Bạch Đình Thiên, để gạch không nung đảm bảo chất lượng, cần đảm bảo nguyên liệu: Xi măng, cốt liệu, phụ gia khoáng, phụ gia hóa học và nước đảm bảo chất lượng; thành phần phối liệu hợp lý đảm bảo mác thiết kế; quá trình trộn với độ đồng nhất cao; tạo hình trên thiết bị rung ép được lèn chặt tốt; độ đồng đều các viên gạch trong một lần ép cao; được bảo dưỡng trong môi trường ẩm bão hòa đến khi ổn định thể tích.
Hiện nay, có nhiều dây chuyền sản xuất gạch không nung công nghệ tiên tiến, công suất lớn đã được đầu tư. Tại các nhà máy như: Tân Thành 9 Thanh Hóa; Trần Châu, Hà Tĩnh; Đại Dũng Xanh, TP. Hồ Chí Minh, mỗi ca sản xuất chỉ từ 3-5 nhân viên. Trong thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền để gạch không nung được đón nhận nhiều hơn trong cuộc sống.
“Với việc dùng các dây chuyền hiện đại và sản xuất với năng suất cao, giá thành gạch không nung sẽ rẻ và cạnh tranh được với gạch đất sét nung” - PGS-TSKH. Bạch Đình Thiên khẳng định.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Hiệp - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng: Thời gian qua, các doanh nghiệp đã chủ động ứng dụng công nghệ, đầu tư sản xuất cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm vật liệu xây không nung đạt chất lượng, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm.
Theo báo Công thương