Trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn biến nhanh, phức tạp, mực triều cường ngày càng cao…, bộc lộ rõ công tác quy hoạch phát triển đô thị của TP Hồ Chí Minh trước đây thiếu dự liệu về sự thay đổi, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Trong khi đó, số dân thành phố tăng nhanh, hiện có hơn 13 triệu người sinh sống, làm việc và khách vãng lai, phân bổ không đồng đều nhưng mạng lưới kết nối giao thông lại trong tình trạng quá tải hoặc chưa được đầu tư tương xứng.
Nhiều năm qua, mô hình đô thị ở thành phố phát triển theo kiểu “dầu loang”, nhiều dự án dân cư nhỏ hình thành, thiếu kết nối. Một số khu đô thị vệ tinh như Khu đô thị Tây Bắc chậm đầu tư, đang điều chỉnh quy hoạch; Khu đô thị cảng Hiệp Phước vẫn chưa triển khai. Trong khi đó, Khu đô thị Nam thành phố chỉ mới phát triển được 30 đến 35% diện tích; Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật; Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ cũng đang trong giai đoạn điều chỉnh quy mô… Đó là chưa kể quy hoạch đô thị của thành phố đang đối mặt vấn đề ngập nước. Mỗi khi triều cường dâng cao, hầu hết các khu dân cư hiện hữu hay khu đô thị mới trong khu vực các quận 2, 7, 8, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh… đều bị ngập.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu, trong trường hợp mực nước biển dâng 1 m, nếu TP Hồ Chí Minh không có giải pháp ứng phó thích hợp thì gần 18% diện tích của thành phố sẽ bị ngập sâu hơn hiện nay. Vì vậy, quy hoạch phát triển chung thành phố cần tích hợp chiến lược quản lý các rủi ro như: Ngập lụt, phát triển đô thị thích ứng biến đổi khí hậu. Quy hoạch đô thị không chỉ là những giải pháp xây dựng các công trình, đê bao, hồ điều tiết, công ngắn triều..., mà còn là những chiến lược phát triển đô thị ở những khu vực khác nhau, có liên kết, kết nối để hướng đến đô thị văn minh, hiện đại, sạch đẹp.
Theo yêu cầu của UBND thành phố, quy hoạch bổ sung sắp tới sẽ phải đáp ứng được hai tiêu chí là hấp dẫn đối với doanh nghiệp và tạo đồng thuận của xã hội, tránh tình trạng quy hoạch mà không được biết, không phát huy thế mạnh địa phương, quy hoạch trên giấy, không khả thi. Thành phố sẽ bổ sung quy hoạch theo hướng mở, đồng thời ban hành quy chế quản lý quy hoạch, gắn quy hoạch với trách nhiệm người đứng đầu.
Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã cho biết, “đề bài” mà Sở xây dựng trong quy hoạch chung là củng cố mô hình phát triển tập trung đa cực, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15 km và bốn cực phát triển ở bốn hướng gồm hướng đông và hướng nam ra biển, hướng tây bắc và hướng tây nam. Thành phố sẽ lấy khu trung tâm hiện hữu làm hạt nhân, các đô thị vệ tinh được quy hoạch hầu hết được bao bọc bởi hệ thống sông, kênh, rạch là địa hình đặc trưng của Nam Bộ. Cụ thể, thành phố sẽ tái thiết, tái phát triển khu trung tâm (khu trung tâm hiện hữu rộng 930 ha) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các khu đô thị mới, tập trung phát triển một số khu đặc thù, hình thành khu đô thị sáng tạo, phát triển khai thác khu vực dọc sông Sài Gòn.
Ngoài ra, trong quy hoạch chung lần này, thành phố sẽ tập trung quy hoạch và phát triển không gian ngầm nhằm tạo ra nguồn lực không gian dưới mặt đất để khai thác, phục vụ người dân, phát triển kinh tế; tạo không gian bố trí các chức năng hạ tầng kỹ thuật dưới mặt đất để dành quỹ đất phía trên làm nguồn lực phát triển. Trước mắt, thành phố sẽ lập quy hoạch không gian ngầm đô thị đối với hai khu vực trọng điểm là khu trung tâm hiện hữu và Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đối với khu trung tâm hiện hữu, một số khu vực sẽ được quy hoạch làm bãi đậu xe ngầm, các khu vực dự kiến phát triển nhiều công trình cao tầng có khả năng kết nối phần hầm, hình thành các trục đi bộ ngầm. Một số địa điểm có thể phát triển không gian ngầm như khu vực Tân Cảng, Ba Son, cảng Sài Gòn, sân vận động Hoa Lư, các công viên 23-9, Lê Văn Tám, Tao Đàn, Công trường Quốc tế, chợ Bến Thành, đường Tôn Đức Thắng - công viên Bạch Đằng... Trong khi đó, Khu đô thị mới Thủ Thiêm được định hướng phát triển không gian ngầm với chức năng làm bãi đậu xe công cộng, kết nối ngầm giữa tầng hầm các công trình thành tuyến kết nối với nhà ga metro ngầm.
Để hiện thực hóa quy hoạch chung này, thành phố sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện rà soát, đánh giá và lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố theo quy định pháp luật về đấu thầu. Trên cơ sở đó, trình Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh theo quy định pháp luật về quy hoạch đô thị…
Theo Nhân dân điện tử