Nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2020
Ngày đầu tiên của năm mới (01/01/2020), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Kế thừa những kết quả quan trọng và toàn diện đã đạt được, phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, thành tựu tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành từ đầu nhiệm kỳ, với quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 và Chiến lược 10 năm 2011 – 2020, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2020 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” với 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành và 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.
Nghị quyết nêu rõ, đối với các chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, mục tiêu phấn đấu năm 2020 của Chính phủ như sau: 1- Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6,8%; 2- Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân < 4%; 3- Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8%; 4- Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu < 2%; 5- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so GDP từ 33 – 34%; 6- Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều từ 1 – 1,5%, trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo 4%; 7- Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị < 4%; 8- Tỷ lệ lao động qua đào tạo 65%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ 25%; 9- Số giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) 28 giường bệnh; 10- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 90,7%; 11- Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 90%; 12- Tỷ lệ che phủ rừng 42%.
Những giải pháp chủ yếu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020
Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.
Trong đó, năm 2020 phấn đấu môi trường kinh doanh theo xếp hạng EoDB (của Ngân hàng thế giới (WB)) lên 10 bậc; năng lực cạnh tranh theo xếp hạng GCI 4.0 (của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF)) lên 5 bậc; đổi mới sáng tạo theo xếp hạng GII (của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO)) - lên 3 - 4 bậc; Chính phủ điện tử (của Liên Hợp Quốc (UN)) lên 10 - 15 bậc...
Tăng cường chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
Nghị quyết nêu rõ, mục tiêu tổng quát nhằm ngăn chặn, không để xảy ra các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp trong hoạt động xuất nhập khẩu, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc nếu có; thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà sản xuất Việt Nam; duy trì tăng trưởng xuất khẩu theo hướng bền vững; thu hút hợp tác, đầu tư nước ngoài vào các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt
Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông.
Điểm đáng chú ý, Nghị định mới tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng.
Theo Nghị định, điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng đối với người điều khiển xe mô tô. Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ vi phạm như trên sẽ bị phạt từ 400-600 ngàn đồng.
Cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu phải đạt 6 tiêu chí
Chính phủ ban hành Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trong đó quy định công nhận cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu. Cụ thể, cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với hoạt động nghiên cứu khoa học, đạt 6 tiêu chí.
Sửa đổi quy định về quy hoạch cấp, thoát nước
Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật.
Nghị định số 98/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, trong đó sửa đổi đối tượng lập quy hoạch cấp nước. Nội dung quy hoạch cấp nước được xác định trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng và quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn. Quy hoạch cấp nước đô thị được tổ chức lập như một đồ án quy hoạch riêng đối với các thành phố trực thuộc trung ương.
Nghị định số 98/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm lập, thời gian và thẩm quyền thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch cấp nước đô thị tại Điều 26 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP. Theo đó, UBND thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch cấp nước đô thị trong địa giới hành chính do mình quản lý.
Thời gian thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch cấp nước đô thị không quá 20 ngày làm việc, thời gian phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch cấp nước đô thị không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định.
Sửa cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 37/2019/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg ngày 19/01/2016 về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai.
Quyết định số 37/2019/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung cơ chế trung ương hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai. Theo đó, ngân sách trung ương hỗ trợ về dân sinh và khôi phục cơ sở hạ tầng như sau: 1- Các tỉnh miền núi, Tây Nguyên: Hỗ trợ tối đa 80% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; 2- Các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương: Hỗ trợ tối đa 70% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; 3- Các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%: Hỗ trợ tối đa 50% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; 4- Các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ 50% trở lên: Chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện; 5- Các trường hợp đặc biệt khác do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Phê duyệt Đề án "Kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất"
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019”. Theo đề án, việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 nhằm đánh giá thực trạng tình hình sử dụng đất đai của từng đơn vị hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh, các vùng kinh tế và cả nước để làm cơ sở đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai của các cấp trong giai đoạn năm 2015 - 2019, đánh giá được sự biến động đất đai so với chu kỳ 5 năm, 10 năm trước và đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ngành bảo hiểm
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ngành bảo hiểm và các dịch vụ công trên cơ sở kết nối chia sẻ dữ liệu giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam với các ngành liên quan". Mục tiêu cụ thể của Đề án là đẩy mạnh thanh toán điện tử (đặc biệt là phương thức thanh toán mà số đông người dân có thể tiếp cận sử dụng) và các điều kiện đảm bảo thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Phấn đấu đến hết năm 2020 số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của ngành bảo hiểm đạt tối thiểu 70%; năm 2021 số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt tối thiểu 85% và 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, mai táng phí, tử tuất... sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị; triển khai giao dịch điện tử đối với cá nhân, tổ chức trên các lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Xếp hạng 7 di tích quốc gia đặc biệt
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 10) đối với 7 di tích:
1- Di tích lịch sử Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.
2- Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Xương Giang, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
3- Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Núi Non Nước, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.
4- Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
5- Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
6- Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Đại Phùng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội.
7- Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Xuất gạo dự trữ quốc gia cho 2 tỉnh
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký quyết định xuất cấp gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh 2 tỉnh Cao Bằng và Bình Định để hỗ trợ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và nhân dân bị ảnh hưởng của cơn bão số 5, 6 và mưa lũ năm 2019.
Theo Chinhphu.vn