Hệ thống xử lý, tiêu hủy chất thải công nghiệp và CTNH có thể gồm nhiều quá trình khác nhau. Chẳng hạn xử lý chất thải lỏng có thể gồm quá trình tách dầu, quá trình trung hòa, xử lý sinh học, quá trình keo tụ, hấp phụ, tách nước… Nhìn chung, có thể chia các quá trình và công nghệ xử lý, tiêu hủy thành 5 nhóm chính: các quá trình hóa lý, các quá trình sinh học, các quá trình xử lý bằng nhiệt, các quá trình xử lý nước ngầm và đất, các quá trình chôn lấp an toàn.
Công nghệ xử lý chất thải công nghiệp và CTNH là một quá trình vận hành hết sức phức tạp và phải tuân theo các điều kiện an toàn nghiêm ngặt. Vì vậy, trong quá trình xây dựng dự án xử lý, tiêu hủy hoặc đánh giá cấp phép nên có sự tư vấn của các nhà chuyên môn sâu về lĩnh vực hay loại CTNH hoặc chất thải công nghiệp cần quản lý.
Ở Thừa Thiên Huế, đã có một số công nghệ xử lý, tiêu hủy an toàn chất thải công nghiệp, CTNH được đề xuất áp dụng, trên cơ sở tập trung vào các chất thải phát thải phổ biến, như: dầu thải, hóa chất bảo vệ thực vật, ắc quy, bóng đèn, điện tử...
Đối với dầu thải, sau khi lọc để loại bỏ rác và chất phụ gia sẽ được tái sử dụng như làm chất đốt cho một số cơ sở sản xuất, làm dầu bôi trơn cho các phương tiện thô sơ... Công nghệ tái chế dầu đã được Tổng cục Môi trường cấp phép, chủ yếu rơi vào các loại: chưng cất cracking dầu (chưng phân đoạn hay còn gọi chưng nhiều bậc và chưng đơn giản hay chưng một bậc); phân ly dầu nước bằng phương pháp cơ học (ly tâm) và bằng nhiệt. Hiện nay có một số cơ sở đang đầu tư công nghệ chưng phân đoạn (chưng nhiều bậc) để tái chế dầu, đây là công nghệ hiện đại sử dụng để sản xuất các sản phẩm xăng dầu từ dầu thải.
Về xử lý hóa chất bảo vệ thực vật, phương pháp công nghệ được lựa chọn là xử lý bằng phương pháp hóa học, nhiệt và đóng rắn. Công nghệ này là sự phối hợp của 3 phương pháp, đầu tiên là xử lý hóa học làm giảm tối đa độc tính của hóa chất bảo vệ thực vật, tiếp đó xử lý nhiệt để tiêu hủy hoàn toàn các yếu tố độc hại và thu nhỏ thể tích các chất gây ô nhiễm và cuối cùng là bê tông hóa, gốm hóa các chất còn lại.
Đối với bóng đèn thải, do trong bóng đèn có chứa nhiều loại chất thải khác nhau như bột huỳnh quang, hơi thủy ngân, thủy tinh, kim loại, nên hệ thống xử lý gồm có bộ phận nghiền bóng đèn trong môi trường kín, kèm theo thiết bị hấp thụ hơi thủy ngân (bằng than hoạt tính hoặc lưu huỳnh), có thể kèm theo biện pháp tách thu hồi thuỷ tinh và bột huỳnh quang.
Chất thải điện tử hiện được nhiều cơ sở kinh doanh phế liệu thu mua. Việc xử lý chúng chủ yếu thực hiện biện pháp phá dỡ, thủ công hoặc cơ giới để phân tách từng thành phần cho các công đoạn xử lý tiếp theo như thu hồi phế liệu (kim loại, nhựa), đốt, hoá rắn.
Có thể thấy, việc lựa chọn đúng phương pháp xử lý cũng như trình tự áp dụng không những xử lý triệt để CTNH mà còn có khả năng thu hồi các nguyên vật liệu quý từ chất thải.
Theo báo Thừa Thiên Huế