Tăng trưởng 9,16%
Theo Thứ trưởng Xây dựng Lê Quang Hùng, hiện nay vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về xây dựng. Việc soạn thảo một số văn bản quy phạm pháp luật, đề án chưa bảo đảm tiến độ theo kế hoạch, một số nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu và sát với thực tế phát triển. Công tác lập, phê duyệt quy hoạch đô thị tại một số địa phương chưa đồng bộ, chất lượng một số đồ án quy hoạch còn yếu, chưa sát với quy hoạch và kế hoạch. Việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện, kết nối kém. Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn biến phức tạp, đồng thời việc xử lý, khắc phục các sai phạm sau kết luận thanh tra, kiểm tra, nhất là các vụ việc được dư luận quan tâm chưa kịp thời, dứt điểm. Thị trường bất động sản phát triển chưa thật sự ổn định, cơ cấu hàng hóa tuy đã được điều chỉnh từng bước, nhưng chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn, thừa sản phẩm phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở xã hội, bình dân. Một số chương trình phát triển nhà ở xã hội còn chậm và gặp khó khăn khi nguồn hỗ trợ dừng lại. Tiến độ cải tạo chung cư cũ, nguy hiểm tại các địa phương không đạt yêu cầu. Việc kiểm soát và ban hành quy định quản lý với sản phẩm mới như: condotel, officetel, shop-house chưa chặt chẽ, kịp thời. Chương trình phát triển vật liệu xây không nung chưa đạt mục tiêu đề ra. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số tổng công ty của ngành xây dựng còn chậm...
Mặc dù vậy, tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển trong các lĩnh vực của ngành xây dựng tiếp tục có chuyển biến tích cực, duy trì mức tăng trưởng 9,16% lĩnh vực xây lắp và khoảng 4% lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 38,4%, tăng 0,9%; quy hoạch phân khu đạt 78%, quy hoạch chi tiết khoảng 39%, tăng 2%; tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 86%, tăng 1,5%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm còn khoảng 21,5%, giảm 1,5% so năm 2017... Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã tiếp nhận thẩm định khoảng 900 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ phải trả lại để sửa đổi bổ sung chiếm 0,4%, tỷ lệ cắt giảm chi phí sau khi thẩm định tổng mức đầu tư là 4,38%, dự toán là 2,59%. Tại các Sở Xây dựng, tỷ lệ cắt giảm chi phí sau khi thẩm định tổng mức đầu tư là 1,29%, dự toán là 3,91%. Nếu tính tỷ lệ trung bình khoảng 2,6%, đã tiết kiệm cho xã hội khoảng 35 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã hoàn thành các dự án Luật gồm: Luật Kiến trúc; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị; đã kiến nghị bãi bỏ năm ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, bãi bỏ 41,3%, đơn giản hóa 47,3%. Bộ Xây dựng là đơn vị đầu tiên chính thức triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính theo mô hình bộ phận một cửa. Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam đứng thứ ba trong các nước ASEAN về chỉ tiêu cấp phép xây dựng (bao gồm cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan); đứng thứ 20 trong tổng số 190 nền kinh tế...
Xây dựng đồng bộ các giải pháp
Năm 2019 được đánh giá còn nhiều khó khăn vướng mắc đối với ngành xây dựng. Bên cạnh những dự báo khả quan về kinh tế vĩ mô, nhiều vướng mắc của nội tại nền kinh tế và một số tác động tiêu cực của tình hình quốc tế sẽ ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của ngành. Với mục tiêu phấn đấu tăng trưởng đạt khoảng 9 đến 9,5% trong năm nay, trước mắt ngành xây dựng còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngành cũng cần xác định rõ những bứt phá của mình trong năm nay, trong đó chú trọng bứt phá về thể chế, chất lượng phát triển, nhất là những vấn đề về nhà ở xã hội và xử lý tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện than có ý nghĩa chính trị quan trọng, cấp bách trong việc bảo vệ môi trường và cần tập trung cao độ. Đồng thời, tăng cường rà soát các quy hoạch theo quy hoạch và kế hoạch gắn với ứng phó biến đổi khí hậu; quản lý tốt thị trường bất động sản, không để xảy ra bong bóng; tập trung tái cơ cấu mạnh mẽ ngành xây dựng...
Nhiệm vụ Phó Thủ tướng giao khá nặng nề, do đó ngay từ những ngày đầu năm, Bộ Xây dựng đã tập trung triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ. Thứ trưởng Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, năm 2019, Bộ sẽ tích cực hoàn thiện công tác xây dựng thể chế, trong đó trọng tâm là sửa đổi, điều chỉnh các quy định pháp luật về xây dựng. Tiếp tục nghiên cứu phân cấp quản lý, đơn giản hóa thủ tục, giải quyết kịp thời các vướng mắc trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình, quản lý an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Tiếp tục triển khai thực hiện hai Đề án: Hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và giá trong lĩnh vực xây dựng; Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đầu tư xây dựng. Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch. Tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản, bảo đảm ổn định, tăng cường bền vững, hiệu quả, không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về vốn, cơ chế chính sách cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ. Xây dựng các chiến lược về phát triển vật liệu xây dựng, cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, địa phương liên quan trong việc đẩy mạnh triển khai xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cũng như chủ động, tích cực triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Năm 2018, số lượng doanh nghiệp (DN) xây dựng thành lập mới tăng nhanh, nhất là khối DN bất động sản. Cụ thể, có 16.735 DN xây dựng mới được thành lập, chiếm 12,7% tổng số DN thành lập mới trên cả nước, tăng 4,4%, trong đó có 7.092 DN kinh doanh bất động sản, chiếm 5,4%, tăng 40% so năm 2017. Đồng thời, thị trường bất động sản thu hút đáng kể các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, đạt 5,94 tỷ USD, chiếm 23,2% tổng số vốn đăng ký.
Theo Nhân dân điện tử