Chú trọng phát triển nhà ở xã hội

Thứ hai, 18/03/2019 14:47
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đến năm 2020 cần có 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội (NOXH), nhưng tới cuối năm 2018 mới chỉ đạt khoảng 33% so với yêu cầu. Do đó, nếu không có những chính sách phù hợp, đột phá, mục tiêu nêu trên sẽ khó có thể hoàn thành đúng tiến độ và người chịu thiệt thòi lớn nhất chính là người dân nghèo, thu nhập thấp.

Khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị Ðặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: ÐỨC ANH

Tại Việt Nam, Ðảng và Nhà nước luôn quan tâm, có các chính sách phát triển nhà ở nói chung, NOXH nói riêng với hàng loạt các cơ chế, chính sách ưu đãi trong lĩnh vực NOXH. Qua 10 năm triển khai, chương trình phát triển NOXH đã đạt được nhiều kết quả tích cực, khẳng định chủ trương đúng đắn về an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2018, số lượng NOXH hoàn thành là 198 dự án, quy mô xây dựng hơn 81.700 căn hộ, tương đương hơn bốn triệu m2 nhà. So với nhu cầu ngày càng tăng về NOXH, con số này còn quá thấp. Thực tế phát triển NOXH trong thời gian qua, có đến hơn 90% số lượng là do các doanh nghiệp (DN) thuộc thành phần kinh tế nhà nước triển khai, đạt mức hiệu quả hợp lý kết hợp thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao và trách nhiệm xã hội của DN.

Theo các chuyên gia, ngoài những nguyên nhân cố hữu về nguồn vốn cho vay, vay mua phát triển NOXH, quỹ đất phát triển NOXH, các địa phương cũng chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở. Ðồng thời, tập quán của người dân muốn sở hữu nhà ở còn lớn, cũng như các DN thuộc các thành phần kinh tế chưa thật sự quan tâm đúng mức đến phát triển NOXH. Tuy nhiên về chủ quan, nhiều DN cho rằng thủ tục liên quan đến phát triển NOXH còn phức tạp, các chính sách ưu đãi còn chưa nhiều và quan trọng là mức lợi nhuận thấp, không hấp dẫn các DN, nhất là khối DN có nguồn vốn tư nhân.

Thực tiễn tại nhiều quốc gia, việc tạo lập quỹ NOXH, bảo đảm quyền sở hữu nhà ở cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, ít năng lực cạnh tranh, cần được chăm sóc về nhà ở là yếu tố quan trọng bảo đảm ổn định chính trị và tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển NOXH góp phần kích thích nền kinh tế quốc gia, giúp lực lượng lao động, người dân nghèo có cơ hội cải thiện các điều kiện về sức khỏe, giáo dục, giải trí,... tạo điều kiện tốt hơn để tái tạo sức lao động, gián tiếp nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ðồng thời, góp phần tăng cường hòa nhập xã hội, giảm xung đột giữa các nhóm người hoặc giữa các nhóm người với chính quyền.

Về tổng thể, nhiều chuyên gia kiến nghị cần siết chặt công tác quy hoạch để dành đất sạch cho phát triển NOXH; thực hiện tốt việc đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong việc thực hiện chính sách về NOXH. Với câu chuyện nguồn vốn, sau khi gói hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng kết thúc, đến nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 1.300 tỷ đồng cho giai đoạn 2018 - 2020, bằng 13% so yêu cầu là quá thấp. Do đó, cần có các giải pháp đột phá trong việc khơi thông nguồn vốn cũng như dành nguồn lực nhất định hằng năm, lâu dài cho công tác phát triển NOXH. Ðồng thời, người dân cần thay đổi thói quen sở hữu nhà ở, chuyển sang thuê, thuê mua nhà ở, phù hợp thu nhập, xu thế phát triển...

Kinh nghiệm phát triển NOXH thành công tại một số nước cho thấy, vai trò của Nhà nước đặc biệt quan trọng. Bên cạnh xây dựng các chính sách ưu đãi, thu hút các nguồn lực, các DN do Nhà nước đầu tư vốn đóng một vai trò quan trọng trong phát triển NOXH. Tại Hàn Quốc, một quốc gia được đánh giá thành công về phát triển nhà ở nói chung và NOXH nói riêng, ngay những năm 1970, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng hệ thống NOXH bằng cách đầu tư vốn vào Tổng công ty Phát triển đất đai và nhà ở Hàn Quốc.

Theo ông Kim Nam Chung, chuyên gia Viện Ðất đai và Nhà ở Hàn Quốc, mặc dù các dự án NOXH tại Hàn Quốc đang chuyển dần từ quy mô lớn do Trung ương lãnh đạo sang quy mô nhỏ phù hợp chính quyền địa phương, trong giai đoạn đầu phát triển, các dự án do Tổng công ty Phát triển đất đai và nhà ở đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nhà ở công cộng (khái niệm giống NOXH tại Việt Nam) cho người dân Hàn Quốc. Ðây là một DN được Chính phủ Hàn Quốc thành lập, có nhiệm vụ tập trung nghiên cứu, xây dựng nhà cho người thu nhập thấp với nguồn kinh phí được lấy từ ngân sách, tiền ký quỹ hoặc quỹ tiết kiệm nhà ở... Chính phủ sẽ tập trung hỗ trợ tài chính cho đối tượng thuê, thuê mua, mua nhà với các thời hạn cụ thể, hợp lý. Tương tự, một mô hình phát triển xã hội rất thành công thường được nhắc đến tại châu Á là Xin-ga-po. Tại quốc gia có quỹ đất hiếm hoi với chi phí sinh hoạt rất đắt đỏ này, có đến 80% số người dân hiện đang sinh sống trong quỹ NOXH do Cơ quan phát triển nhà ở Xin-ga-po (HDB) kiến tạo nên. Với vai trò một cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm về NOXH của Xin-ga-po, HDB đã phân bổ và quy hoạch nguồn lực rất hiệu quả cho phát triển NOXH đáp ứng nhu cầu của người dân.

Từ tầm quan trọng và thực trạng phát triển NOXH tại Việt Nam thời gian qua và nhu cầu NOXH thời gian tới, tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia thành công trong lĩnh vực này, các chuyên gia cho rằng cần nghiêm túc xem xét, phát huy vai trò của một số DN, tổ chức do Nhà nước đầu tư vốn để tham gia phát triển NOXH. Ðây sẽ là công cụ quan trọng của Nhà nước nhằm thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tạo lập quỹ NOXH phục vụ nhân dân.


Theo Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)