Hạ tầng giao thông nâng giá trị bất động sản Hà Nội

Thứ hai, 18/03/2019 14:44
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với không gian rộng mở và lượng dân số ở các đô thị lớn hiện nay, hạ tầng giao thông đang đóng vai trò quan trọng nhất để người dân có thể tiếp cận được với điều kiện sống tốt hơn.

Trục đường Lê Văn Lương là một trong những tuyến đường có tốc độ phát triển xây dựng bậc nhất Thủ đô - Ảnh: Nguyễn Thắng

Việc mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội đã được thực hiện đồng bộ với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thể hiện rõ nét bằng chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông tăng trưởng trung bình từ 0,28% đất đô thị/năm. Theo đó, năm 2010 mới chỉ đạt khoảng 7% thì đến năm 2017 đã đạt khoảng 8,96%; số điểm ùn tắc giao thông năm 2010 là 124 điểm thì đến năm 2017 là 37 điểm; số vụ tai nạn giao thông năm 2013 là 2.252 vụ thì đến năm 2017 là 1.448 vụ.

Những tiến triển này cũng khiến giá trị bất động sản của nhiều khu vực đang thay đổi từng ngày. Đặc biệt là hai khu vực mà giới bất động sản vẫn gọi nôm na là “khu vực Hồ Tây” và “khu vực Hà Đông”.

Khu hành chính phía Tây

Theo dự báo của các công ty nghiên cứu thị trường, Tây Hồ là khu vực có khả năng tăng giá trong 1 - 2 năm tới, tỷ lệ lên đến 30% và hội tụ đầy đủ các yếu tố cho việc phát triển các dự án bất động sản cao cấp. Đây là khu vực có chất lượng môi trường sống tốt do được hưởng lợi từ khu vực hồ Tây, sông Hồng. Hạ tầng được đầu tư và phát triển đồng bộ, nhiều trục đường mới được xây dựng mang tầm quốc gia: trục Nhật Tân - Nội Bài; tuyến đường Võ Chí Công, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Quốc Việt…

Về môi trường sống, đây là khu vực yên tĩnh, nhiều cây xanh, mật độ xây dựng thấp, không khí trong lành. Hồ Tây luôn là địa điểm lý tưởng hàng đầu cho bất kì ai muốn tận hưởng cuộc sống đô thị mà không quá ồn ào náo nhiệt.

Với hàng loạt dự  án hạ tầng (4 cây cầu và hàng loạt tuyến đường mới) sắp được hoàn tất, Tây Hà Nội sẽ là khu vực thu hút các nhà đầu tư và khách hàng. Theo chủ trương của TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, khu vực phía Tây Hà Nội sẽ đón hàng loạt trụ sở các bộ ban ngành hàng đầu, đại sứ quán và các văn phòng tổ chức phi Chính phủ… Bên cạnh đó, chính phủ cũng đẩy mạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng khi nâng cấp, mở rộng hàng loạt các tuyến giao thông huyết mạch. Cuối năm 2018, tuyến đường Phạm Văn Đồng rộng 93m kết nối vành đai 3 dự kiến hoàn thành, giảm tải áp lực giao thông khu vực.

Thêm vào đó, tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, song song với tuyến đường sắt đô thị số 2, kết nối qua các khu đô thị lớn Tây Hồ Tây - Ngoại Giao Đoàn đang được triển khai, thành điểm kết nối giao thông trong khu vực và các tỉnh lân cận. Bài toán giao thông trọng điểm được giải quyết cũng đồng nghĩa với việc Tây Hồ Tây trở thành khu vực trọng yếu mới của thủ đô, kết nối với nhiều tuyến giao thông chính, trong đó chỉ mất 10 phút tới sân bay Nội Bài, 20 phút vào trung tâm thành phố và vài phút di chuyển giữa các khu đô thị. Quy hoạch đồng bộ tạo đòn bẩy lớn nâng cao giá trị bất động sản khu vực này trong thời gian tới.

Theo ghi nhận thực tế, lượng hấp thu của thị trường các dự án căn hộ đang ở mức cao, đến thời điểm hiện tại số lượng không còn nhiều. Ngoài việc sở hữu nhà ở, nhu cầu bất động sản cho thuê ở đây cũng luôn ở mức cao, từ 2.500 đến 5.000 USD/căn/tháng dành cho người nước ngoài. Chính vì vậy, đây là cơ hội đầu tư sinh lời mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng không thể bỏ qua.

Ngay sau khi ra mắt, các dự án tại khu vực này như Sunshine City, Ngoại giao đoàn, Ciputra… đều rất hút khách, số lượng căn chỉ còn rất ít.. Đặc biệt, số lượng căn hộ dành cho người nước ngoài tương đối lớn, dự kiến sẽ tạo thành một cộng đồng quốc tế mới trong tương lai tại khu vực này.

Khu vực “Tam giác vàng”

Trước đây hệ thống giao thông của quận Hà Đông chủ yếu phụ thuộc vào đường Nguyễn Trãi, khó khăn khi di chuyển vào trung tâm thành phố, khiến nhà đầu tư “e dè” với các dự án bất động sản ở khu vực này. Tuy nhiên trong vài năm gần đây, Hà Đông được đầu tư mạnh về hạ tầng, đặc biệt là giao thông đô thị, các tuyến đường lớn được xây dựng mới hoặc cải tạo mở rộng… đã tạo ra hệ thống giao thông thông suốt cho khu vực tam giác phía Tây là Hà Đông - Nam Từ Liêm - Cầu Giấy. Khu vực này cũng được ví là “tam giác vàng” trong giới bất động sản thủ đô hiện nay nhờ sự phát triển của hạ tầng giao thông và các tiện ích kết nối.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ra quyết định phê duyệt Chỉ giới đường đỏ 4 tuyến đường xung quanh khu đất dự án đầu tư xây dựng bệnh viện và trung tâm thương mại Quận Hà Đông và Quận Nam Từ Liêm tạo ra thêm kết nối mở giữa các khu vực này.

Ngoài tuyến bus nhanh BRT được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2017, nút giao Vạn Phúc - Lê Văn Lương kéo dài, hầm chui Đại lộ Thăng Long - Khuất Duy Tiến, đường Lê Trọng Tấn - Văn Phú và sắp tới là đường sắt trên cao Cát Linh - Hà  Đông... đã và đang thay đổi diện mạo khu vực phía Tây Hà Nội, giúp Hà Đông trở thành trung tâm hội tụ các dự án bất động sản tầm cỡ.

Ngoài hệ thống giao thông hoàn thiện, Hà Đông còn là khu vực được đầu tư đồng bộ về hạ tầng dịch vụ xã hội, tập trung các trường học, bệnh viện, trung tâm mua sắm, tiện ích lớn. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư uy tín đang tiếp tục "rót vốn" cho các dự án lớn trong khu vực đầy tiềm năng này. Nguồn cung dồi dào vừa là cơ hội, song cũng là thách thức khiến các chủ đầu tư phải có tầm nhìn chiến lược ở mỗi dự án để có thể tạo dấu ấn riêng thu hút khách hàng.

Như một quy luật tự nhiên, đường mở đến đâu thì giá nhà đất tăng theo đến đó đã thường thấy ở thị trường bất động sản Việt Nam, nhà phố và biệt thự tại các dự án bám dọc những trục đường lớn này tăng giá chóng mặt. Thậm chí, nhiều dự án có giá nhà tăng gấp 2,3 lần so với thời điểm năm 2012-2013.

Với sự góp mặt của các ông lớn tại khu vực phía Tây Hà Nội, có thể kể đến những tên tuổi lớn như VinGroup, Geleximco, Nam Cường, Hải Phát, Văn Phú hay BIM Group…cùng với đó là hạ tầng tiếp tục được đầu tư và hoàn thiện thì phía Tây của Thủ đô tiếp tục là một trong các "điểm nóng" đầu tư trong thời gian tới.

Trong năm qua, nhiều dự án lớn ở khu vực này rầm rộ xây dựng, giá nhà cũng vì thế tăng cao. Hoạt động giao dịch sôi động nhất phải kể tới những dự án bám dọc các trục đường chính như Lê Trọng Tấn - tuyến đường nằm trong vành đai 3,5 với rất nhiều tiện ích, nổi bật như Aeon Mall Hà Đông, Vinhomes Thăng Long, công viên Thiên Đường Bảo Sơn…Riêng với giá đất, ở một số khu như mặt tiền đường Đại Lộ Thăng Long, Tố Hữu, Lê Trọng Tấn Hà Đông có mức độ tăng giá khá cao.

Đánh giá về phía Tây, đại diện của CBRE Việt Nam hay Savills đều cho rằng đây là khu vực phát  triển năng động nhất, sự bùng nổ mạnh mẽ của thị trường bất động sản khu vực này trong vài năm qua chính là nhờ yếu tố hạ tầng được đầu tư đồng bộ.


Theo Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)