Cuối tháng 7 vừa qua, công nhân Công ty Than Mạo Khê đã vô cùng phấn khởi khi công trình Khu tập thể Vĩnh Xuân - khu nhà ở dành cho cán bộ CNVC-LĐ của Công ty tại phường Mạo Khê, TX Đông Triều được khánh thành. Khu tập thể có tổng diện tích 45.666m2 . Trong đó, diện tích xây dựng 7.984m2 gồm 3 lô nhà 5 tầng, tổng số 245 phòng ở khép kín, diện tích sử dụng từ 35-50m2 /phòng với đầy đủ tiện nghi, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho 400 cán bộ, CNVC-LĐ. Tổng số vốn đầu tư của công trình là 187 tỷ đồng. Ông Nhữ Xuân Hinh, Phó Chánh Văn phòng Công ty chia sẻ với chúng tôi: Cùng với việc đầu tư về phòng ở, khu sinh hoạt, thể thao nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, khu tập thể còn có nhà ăn 300 chỗ, khu nhà để xe, nhà kỹ thuật điện nước, khuôn viên cây xanh và hệ thống bể bơi, sân bóng đá, bóng chuyền, sân khấu ngoài trời, thư viện. Đặc biệt, tối thứ 5 hàng tuần, rất nhiều công nhân trực tiếp tham gia múa hát tại sân khấu ngoài trời đã đem lại không khí vui vẻ, xoá tan những mệt mỏi, lo âu của người lao động…
Trong khoảng gần chục năm trở lại đây, rất nhiều đơn vị của ngành Than đã xây nhà ở cho công nhân. Tôi còn nhớ cách đây vài năm, khu “khách sạn công nhân” gồm 4 toà nhà 9 tầng với tổng số 224 căn hộ, có sức chứa từ 1.300-1.400 người của Công ty Than Nam Mẫu sừng sững được xây dựng trên khu đất rộng 1,4ha đã khiến công nhân không khỏi ngỡ ngàng. Mỗi toà nhà được lắp đặt hai thang máy, hai thang đi bộ và bố trí đầy đủ hệ thống thông tin, internet. Các công trình tiện ích phục vụ nhu cầu ăn, ở, đi lại, sinh hoạt cho công nhân như khu nhà ăn, bãi đỗ xe, sân bóng chuyền, cầu lông, sân vườn cũng được thiết kế đầy đủ. Theo lãnh đạo của đơn vị này, từ khi có “khách sạn này” thì tình trạng thợ lò bỏ việc của Công ty cũng giảm dần.
Nhiều đơn vị như Công ty CP Than Hà Lầm, Công ty Than Quang Hanh; Công ty Than Vàng Danh, Tổng Công ty Đông Bắc... đã xây dựng khu tập thể cho CNLĐ. Ở đơn vị xa nhất của ngành Than tại Quảng Ninh là Công ty CP Than Mông Dương cũng đang xây dựng Khu tập thể cho CNLĐ và sắp được đưa vào sử dụng. Theo thống kê của TKV, đến nay có khoảng 20 đơn vị thuộc ngành Than đã đầu tư được gần 80 khu nhà ở công nhân tương ứng với gần 5.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho hơn 17.000 người. Những khu nhà tập thể mới được xây này đã đáp ứng được phần nào nhu cầu về nhà ở, góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho CNVC-LĐ và “giữ chân” thợ lò.
Dù đã có nhiều cố gắng, song ngành Than mới chỉ có khoảng 12% số người được cung cấp về nhà ở, gần 90% lao động còn lại phải tự lo chỗ ở cho bản thân. Trong khi đó, lãnh đạo ngành Than cũng xác định “Nếu không lo được nhà ở cho người lao động, công nhân ngành Than sẽ bỏ việc gây khó khăn rất lớn cho Tập đoàn”. Vì thế, để giải quyết vấn đề an cư cho thợ mỏ, bên cạnh việc sản xuất kinh doanh, các đơn vị của Tập đoàn đã bố trí nguồn lực nhất định đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. TKV đã xây dựng Đề án xây dựng nhà ở công nhân đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 trình Chính phủ, trên cơ sở đó định hướng việc an cư cho thợ lò. Đồng thời, đề xuất tỉnh cho phép nghiên cứu chuyển đổi mục đích sử dụng một số quỹ đất dôi dư tại các nhà máy, đơn vị thành viên sang đất ở để xây nhà tập thể cho công nhân; cho phép điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết các dự án phát triển bất động sản của TKV, nhằm phục vụ việc xây dựng nhà ở cho người lao động của Tập đoàn. Bên cạnh đó, xem xét kết hợp với các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân nằm trong địa phận Quảng Ninh tại các khu vực do tỉnh quản lý và đầu tư để đáp ứng một phần nhu cầu cho công nhân Tập đoàn.
Cùng với đó, ngành Than cũng đề xuất cơ chế gỡ khó về nguồn vốn như đề xuất với Chính phủ trích một số tiền nhất định để tạo quỹ đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Đối với các dự án nhà ở cho công nhân và hộ gia đình công nhân đã được triển khai, hoặc đã hoàn thành và đi vào sử dụng, Tập đoàn cũng đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm cho các dự án, góp phần làm giảm chi phí vận hành của các khu nhà…
Với những giải pháp tích cực đó, thời gian qua, ngành Than đã đáp ứng phần nào nhu cầu nhà ở cho người lao động, giúp họ an cư, phục hồi sức khoẻ, tái sản xuất sức lao động và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, với Quảng Ninh.
Theo Báo Quảng Ninh