Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xử lý ít nhất 50% chung cư cũ xuống cấp vào năm 2020

Thứ hai, 08/08/2016 14:13
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa khẳng địnhThành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai nhiều giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây mới các chung cư xuống cấp; trong đó, đến năm 2020 sẽ tháo dỡ, di dời ít nhất 50% số chung cư này.

Chung cư Cô Giang ở quận1, TP.HCM xuống cấp nặng. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Khẳng định trên của ông Lê Văn Khoa được đưa ra tại phiên chất vấn kỳ họp thứ hai, Hội đồng Nhân dân Thành phô Hồ Chí Minh khóa IX, diễn ra sáng 5/8.

Theo ông Lê Văn Khoa, trong chương trình chỉnh trang đô thị, thành phố đề ra mục tiêu xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các chung cư cũ, hư hỏng và xuống cấp trên địa bàn, đồng thời xem đây là mục tiêu quan trọng để lo cho chỗ ở của nhân dân. Việc làm này cần thiết nhưng hết sức khó khăn vì phải chuẩn bị chỗ di dời, chỗ ở tạm cho người dân để xây dựng mới và bố trí lại.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất và được Thủ tướng cho phép lựa chọn, chỉ định nhà đầu tư trong xử lý các chung cư hư hỏng này.

Ông Lê Văn Khoa cho rằng nếu làm theo quy trình đầy đủ thì rất lâu, trong khi chung cư đã xuống cấp không thể chờ đợi. Lãnh đạo thành phố đã phân cấp về 24 quận, huyện để chủ động lựa chọn nhà đầu tư xử lý vấn đề này. Sự phân cấp sẽ giúp triển khai nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Theo đó, cuối năm 2016, Sở Xây dựng và các quận, huyện sẽ kiểm định xong các chung cư để tiến hành các bước xử lý tiếp theo.

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh có 474 chung cư (trong tổng số hơn 1.200 chung cư) được xây dựng trước năm 1975 đang trong tình trạng hư hỏng, cần được xử lý.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết các chung cư được xây dựng trước năm 1975 đã xuống cấp sau thời gian dài vận hành, thậm chí có những chung cư đã đến mức nguy hiểm, cần phải được nhanh chóng tổ chức lại để đảm bảo cuộc sống của người dân tại các chung cư này. Hiện thành phố đã đề ra nhiều giải pháp để đạt mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ này xử lý ít nhất 50% chung cư xuống cấp.

Theo ông Trần Trọng Tuấn, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện dự án giúp giảm chi phí đầu tư, giảm lãng phí, gánh nặng xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; trong đó, phân cấp, thực hiện ủy quyền cho quận, huyện từ kiểm định, đánh giá chất lượng chung cư, đến phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, phê duyệt phương án di chuyển, lựa chọn chủ đầu tư, cấp giấy phép xây dựng... Các quận, huyện đều đồng tình với cách làm này nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện công việc.

Địa bàn hiện có nhiều chung cư hư hỏng, xuống cấp như quận 5 (203 chung cư), quận 1 (89 chung cư)… đã và đang được khảo sát, đánh giá cụ thể vị trí tại chung cư và các khu vực lân cận để xác định chung cư nào có thể xây mới được, chung cư nào cải tạo, mở rộng khu dân cư hiện hữu hoặc phải chuyển công năng.

Như quận 1 chỉ có 21/89 chung cư cũ có diện tích đất sử dụng trên 1.000m2, nếu tính thêm diện tích nhỏ khoảng 800m2 đến 900m2, cũng chỉ có 31 chung cư có thể đủ điều kiện xây mở rộng. Còn lại đa phần là chung cư có diện tích 500m2 đến 600m2, thậm chí là 100-200m2, không thể xây mới phải chuyển công năng.

Cũng theo ông Trần Trọng Tuấn, hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng được xem là khó khăn khiến các nhà đầu tư cân nhắc khi tham gia dự án, bởi nếu công tác này kéo dài sẽ dẫn tới thất bại trong giải quyết dự án.

Do vậy, bản chất việc này là sự hài hòa lợi ích của người dân, nhà đầu tư. Nếu có sự đồng thuận của người dân, dự án sẽ được triển khai nhanh; trong đó làm tốt việc bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ giải quyết nhanh chóng được các dự án./.


Theo TTXVN

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)