Thanh khoản nhà đất bắt đầu vào giai đoạn sôi động nhất năm thì thị trường căn hộ lại đối mặt với giá thép tăng mạnh. Trong khi một số chủ đầu tư khẳng định sẽ tăng giá bán căn hộ thì một số khác lại nói không.
Lo ngại giá thép tăng
Trước sức ép từ phôi thép, thép giá rẻ của Trung Quốc, Bộ Công thương đã quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Theo quyết định mới, mức thuế đối với phôi thép là là 23,3%, thép dài là 14,2% dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung. Trước đó, thuế nhập khẩu đối với phôi thép là 10%, thép dài 0-5%. Ngay sau đó, giá thép trong nước tăng mạnh khi thị trường có hiện tượng găm hàng, đầu cơ.
Lý giải về điều này, Bộ Công thương cho rằng đây có thể là hiện tượng xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn do tâm lý tích trữ của các nhà nhập khẩu và các doanh nghiệp tiêu thụ thép trên thị trường.
Trao đổi với phóng viên, ông Tống Văn Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Vinaconex 5, công ty chuyên thực hiện xây dựng chung cư, nhà cao tầng, công trình thủy điện… cho hay, giá thép tăng sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Đối với nhà cao tầng, việc sử dụng thép là hàng nghìn tấn nên giá thép tăng khiến ảnh hưởng tới giá thành bất động sản là khó tránh khỏi.
Trao đổi với phóng viên, đại diện một công ty xây dựng cho hay, thép và xi măng thường chiếm khoảng 30 - 40% cấu thành giá sản phẩm. Do đó giá thép tăng đột biến chắc chắn sẽ đẩy giá nhà tăng, đồng thời làm vỡ kế hoạch kinh doanh, thậm chí gây lỗ nặng cho nhà đầu tư. Đối với nhà ở xây dựng riêng lẻ, thép chiếm khoảng 20% tổng giá trị phần thô, do đó giá thép tăng cũng làm ảnh hưởng đến thị phần này.
Nơi tăng giá, nơi nói không
Giá thép tăng mạnh khiến chi phí vật tư đầu vào để xây dựng nhà ở tăng theo khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng và bất động sản phải “đứng ngồi không yên”. Thậm chí, một số doanh nghiệp lo lắng giá thép tăng lên sẽ tác động đến nhu cầu nhà chung cư trên thị trường BĐS khi xuất hiện xu hướng chờ đợi giá hạ xuống.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh nhận định, thép, xi măng chiếm tỷ trọng lớn khi xây dựng chung cư cao tầng. Nếu nền đất yếu, chủ đầu tư và nhà thầu phải sử dụng nhiều thép hơn. Do đó, việc giá thép tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các chủ đầu tư và nhà thầu đang thực hiện xây dựng chung cư cao tầng. Cũng theo ông Châu, giá thép tăng sẽ tác động đến giá thành, từ đó đẩy giá bán nhà tăng và khi đó người mua nhà lãnh đủ. Với mức tăng của giá thép như những ngày qua, theo tính toán của ông Châu, giá thành xây dựng sẽ tăng khoảng 3 - 5%.
Trái ngược với lo lắng của một số doanh nghiệp bất động sản, trao đổi với phóng viên, đại diện Tập đoàn Mường Thanh khẳng định, thời gian tới tập đoàn không có kế hoạch tăng giá bán căn hộ. Lý giải về vấn đề này, vị đại diện Mường Thanh cho biết, chi phí sắt thép chỉ là một phần trong chi phí xây dựng. Quan trọng, chủ đầu tư, nhà thầu phải biết cách thức tổ chức, quản lý bộ máy sao cho hợp lý, không cồng kềnh, kém hiệu quả, giảm thiểu chi phí thì mới không tính vào giá thành bán nhà. Bên cạnh đó, chủ đầu tư phải biết chia sẻ với khách hàng, chấp nhận hy sinh lợi nhuận để giữ nguyên giá bán căn hộ, không tăng giá. Điều này lý giải thời gian qua bất động sản Mường Thanh luôn nhận được sự quan tâm của khách hàng.
Trong khi đó, theo số liệu của Cục quản lý nhà và thị trường BĐS của Bộ Xây dựng, giá BĐS trong thời gian vừa qua đã tăng từ 5 - 6% so với 2014, cá biệt có dự án tăng 10 - 15%, trong đó căn hộ bình dân có mức tăng thấp nhất, căn hộ cao cấp tăng từ 5 - 15%.
Theo Kinh tế và Đô thị