Mỗi ngày trả lãi 2,9 tỷ đồng do đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Thứ sáu, 11/09/2015 13:48
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo văn bản UBND thành phố Hồ Chí Minh gửi Thủ tướng Chính phủ, tổng vốn đã đầu tư vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm lên đến hơn 29.000 tỷ đồng, số tiền lãi vay phát sinh thành phố phải chi trả hiện vào khoảng 2,9 tỷ đồng/ngày.

Ngoài một số dự án hạ tầng và tái định cư, hầu như chưa có dự án nào được triển khai tại KĐTM Thủ Thiêm. Ảnh: VGP/Nam Đàn

Đến thời điểm hiện nay, tổng nguồn vốn đã đầu tư vào Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm để chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, chi đầu tư xây dựng một phần hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và chi các khoản lãi vay lên đến hơn 29.000 tỷ đồng. Trong đó, sử dụng từ ngân sách thành phố (trên 12.000 tỷ đồng), nguồn tiền khai thác quỹ đất trong KĐTM Thủ Thiêm, tiền thu từ bố trí quỹ nhà, đất tái định cư (trên 4.000 tỷ đồng), vốn vay thương mại từ các tổ chức tín dụng (13.000 tỷ đồng).

Hiện tiền lãi vay thương mại phát sinh khoảng 2,9 tỷ đồng/ngày. Áp lực trả nợ gốc và lãi vay trong năm 2015 - 2016 là rất lớn, trong đó năm 2015 trả lãi vay gần 903 tỷ đồng, năm 2016 trả nợ gốc đến hạn là 5.241 tỷ đồng và lãi vay phát sinh là 829 tỷ đồng.

Ngoài ra, thành phố phải chi bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các trường hợp còn lại, đầu tư cơ sở hạ tầng trong KĐTM Thủ Thiêm, đầu tư xây dựng quỹ nhà thuộc Chương trình 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư với số tiền thanh toán lên đến 5.073 tỷ đồng năm 2015 và gần 8.160 tỷ đồng năm 2016.

Vì vậy, thành phố kiến nghị Thủ tướng cho phép được lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện một số dự án thay vì đấu thầu để sớm tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, để trả một phần nợ vay, giảm bớt số lãi vay đang phát sinh hằng ngày. Cụ thể, thành phố kiến nghị Thủ tướng cho phép chỉ định một nhà đầu tư trong nước đầu tư dự án Khu phức hợp Sóng Việt trong Khu chức năng số 1 của Khu đô thị Thủ Thiêm với tổng vốn khoảng 7.000 tỷ đồng.

Trước đó, thành phố cũng đã kiến nghị Thủ tướng cho phép chỉ định Liên danh 7 công ty của Hàn Quốc và Nhật Bản làm chủ đầu tư dự án khu phức hợp thông minh (Thủ Thiêm Eco Smart City), trong Khu chức năng 2a thuộc trung tâm của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, với tổng số vốn khoảng 2,2 tỷ USD. Dự án bao gồm trung tâm thương mại, khách sạn, khu căn hộ dịch vụ, văn phòng, chung cư...

Cũng theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, thời qian qua, thành phố đã tích cực kêu gọi đầu tư vào KĐTM Thủ Thiêm, tuy nhiên chưa đạt được kết quả như mong muốn do KĐTM Thủ Thiêm chưa có hệ thống hạ tầng kỹ thuật chính. Hiện vẫn chỉ có cầu Thủ Thiêm 1, hầm vượt sông Sài Gòn, đường Mai Chí Thọ là những công trình hạ tầng kỹ thuật duy nhất kết nối KĐTM Thủ Thiêm với trung tâm hiện hữu thành phố.

Đến nay, ngoài những dự án tái định cư, 4 tuyến đường chính, cầu Thủ Thiêm 2, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam trong KĐTM Thủ Thiêm, thì hầu như chưa có dự án nào khác được triển khai.

Ngày 4/6/1996, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng KĐTM Thủ Thiêm với quy mô 930 ha, trong đó khu đô thị mới là 770 ha, khu tái định cư 160 ha.

Với 8 khu chức năng, KĐTM Thủ Thiêm là khu trung tâm đô thị mới mang tầm cỡ khu vực và quốc tế nhằm mở rộng trung tâm hiện hữu của thành phố Hồ Chí Minh và là trung tâm tài chính bổ sung một số chức năng mà trung tâm hiện hữu còn thiếu và hạn chế phát triển. Trong đó trọng tâm là hình thành khu trung tâm tài chính - ngân hàng, thương mại, dịch vụ mang tầm cỡ quốc tế tại Khu chức năng số 1.

Để chuẩn bị cho dự án này, thành phố Hồ Chí Minh đã mất hơn 10 năm để giải tỏa 15.000 hộ dân với khoảng 60.000 nhân khẩu thuộc 5 phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông, Bình An và Bình Khánh, quận 2.


Theo chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)