Sau 800 căn hộ đầu tiên của quỹ nhà ở xã hội tại khu Việt Hưng được bàn giao cho người dân Hà Nội. Những người có thu nhập thấp tại thủ đô thực sự đang có động lực để thực hiện “giấc mơ” sẽ được làm chủ căn nhà của riêng mình. Tuy nhiên để những người dân thực sự có nhu cầu làm chủ những căn nhà này là điều không hề dễ dàng.
Ảnh minh họa
Nỗi lo “thương mại hóa” nhà xã hội
Khi triển khai thực hiện chính sách này, câu hỏi lớn nhất được để ra là: "Làm thế nào để tránh việc nhà ở xã hội được phân phối không đúng đối tượng và mua đi bán lại?".
Trên thực tế, chỉ có nhà ở xã hội tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn khác đắt giá. Với những tòa nhà dành cho người thu nhập thấp tại các địa phương khác như tòa nhà 11 tầng tại Vĩnh Phúc của Vinaconex Xuân Mai, doanh nghiệp còn phải chủ động tìm khách mua. Nhiều người dân cho rằng, nhu cầu nhà ở xã hội tại các thành phố quá lớn, nên cung luôn thấp hơn cầu.
Do vậy, việc xét duyệt người được mua nhà phải có phương thức công khai và công bằng cho tất cả đối tượng đáp ứng đủ điều kiện, nếu không sẽ phát sinh hiện tượng “chạy chọt”, mua đi, bán lại hưởng tiền chênh lệch.
Nhiều ý kiến cho rằng, phương thức công bằng nhất là tổ chức gắp thăm công khai chọn người mua nhà ở xã hội. Đồng thời, người nộp đơn ngay từ đầu phải nộp một khoản tiền bảo lãnh nhất định trước khi gắp thăm công khai để tránh trường hợp đăng kỹ giữ chỗ, bán suất.
Cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cả khách hàng đều thống nhất về nguyên tắc bán nhà ở xã hội. “Không có lý do gì doanh nghiệp không được chủ động bán nhà, quan trọng là công tác tổ chức bán và hậu kiểm thôi”, lãnh đạo một doanh nghiệp xây dựng ở Hà Nội nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà (Bộ Xây dựng) cho biết tiêu cực có thể phát sinh từ ngay đơn vị được xét duyệt hồ sơ mua nhà.
"Nhà xã hội do Nhà nước đầu tư từ vốn ngân sách thì Sở Xây dựng có thể bán. Còn loại nhà do doanh nghiệp đầu tư thì doanh nghiệp phải được chủ động bán theo quy định của Nhà nước. Cần phải tin doanh nghiệp và đề ra cơ chế hậu kiểm chặt chẽ. Không thể nói là doanh nghiệp bán dễ phát sinh tiêu cực hơn Nhà nước bán... Về nguyên tắc, Sở Xây dựng không thể “ôm” hết mà chỉ đề ra tiêu chuẩn, điểm ưu tiên để bán nhà xã hội”, ông Hà nhấn mạnh.
TS Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xây dựng và đô thị (Tổng hội Xây dựng) cho biết, trên thực tế đã xảy ra tình trạng có người mượn danh thu nhập thấp để mua nhà hưởng ưu đãi. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là do việc xác định người có thu nhập thấp chưa thực sự chính xác nếu chỉ căn cứ vào mức lương không phải nộp thuế thu nhập.
Lương thì ai cũng biết, nhưng thu nhập ngoài lương thì rất khó kiểm soát. Chưa kể tại một số dự án nhà ở xã hội, nhiều người sau khi được quyền mua nhà đã lập tức chuyển nhượng với mức chênh khoảng 1 triệu đ/m2. Không biết họ là người có thu nhập thấp hay thu nhập cao nhưng đây cũng chính là một hiện tượng mua bán nhằm mục đích đầu cơ.
Làm chặt việc hậu kiểm
Đối tượng phục vụ của chính sách nhà ở xã hội là những người thu nhập thấp, tuy có thu nhập ổn định nhưng sau khi trang trải các nhu cầu cuộc sống thì chỉ dành dụm được chút ít, khó tích lũy đủ mua nhà hoặc thuê nhà hợp vệ sinh.
Theo Bộ Xây dựng tính toán thì khả năng tích lũy tối đa của công chức để chi cho nhà ở chỉ khoảng 11,5% tổng thu nhập, một tỷ lệ quá thấp. Để có thể xác định được đúng đối tượng, TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc tạo các cơ chế hỗ trợ dự án nhà thu nhập thấp. Đặc biệt, có cơ chế tài chính nhằm đưa giá nhà vào tầm chi trả của các gia đình thu nhập thấp. Còn việc xác định đối tượng thụ hưởng thì dựa trên thu nhập bình quân địa phương. Cơ quan quản lý sẽ chia ra các nhóm đối tượng thu nhập thấp thuộc diện khó khăn, rất khó khăn để đưa ra các hình thức hỗ trợ phù hợp…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận định: "Điều kiện để được mua nhà ở xã hội đã có quy định và trong thông tư hướng dẫn cũng nói rõ sau 10 năm, người mua nhà ở xã hội mới được phép bán và phải bán lại cho Nhà nước, chủ đầu tư theo giá thỏa thuận hai bên.
Nhà ở dạng này sẽ chưa được cấp “sổ đỏ”. Người mua nhà đất hiện nay thường có tâm lý chắc chắn và nếu không có “sổ đỏ” sẽ ít người quan tâm. Mặt khác, nếu ai cố tình mua bán nhà mà bị phát hiện thì sẽ bị Nhà nước tịch thu nhà".
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, một tín hiệu rất mừng hiện nay là người mua nhà chủ yếu để ở, khác một thời kỳ bất động sản sốt ảo bởi thị trường toàn người đầu cơ mua đi bán lại.
Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản cần một chiến lược phát triển dài hạn. Bộ Xây dựng cũng đã đưa ra một loạt giải pháp, trong đó có những giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản gắn với việc thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Việc xem xét một số dự án được chuyển sang đất nền cho người dân có nhu cầu nhà ở để họ tự xây thay vì chủ đầu tư xây phù hợp để huy động nguồn lực của người dân nhưng đồng thời đáp ứng nhu cầu và khả năng của họ.
Một tin vui nữa cho những người đang mong sở hữu một căn nhà ở xã hội là UBND thành phố Hà Nội vừa yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội sẽ sớm thẩm định giá bán, giá cho thuê dự án nhà ở xã hội đã đưa vào sử dụng nhằm đẩy nhanh quá trình cấp sổ đỏ cho các dự án đã hoàn thành.
Đồng thời, Sở Xây dựng đôn đốc các chủ đầu tư tổ chức hội nghị nhà chung cư, bầu Ban Quản trị theo quy định; Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội của khu nhà ở…
Theo chinhphu.vn