Sáng 5/3 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo một số Bộ, ngành trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt thành phố Hà Nội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và quy hoạch, cơ chế đầu tư trục Nhật Tân-Nội Bài nhằm tạo lập trục giao thông đô thị kiểu mẫu, hiện đại, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế -xã hội của Thủ đô ngày càng phát triển.
Trục Nhật Tân-Nội Bài là một trong những không gian trọng yếu có vai trò kết nối giao thông khu trung tâm Thủ đô với không gian cửa ngõ hàng không của quốc gia, gắn kết khu vực đô thị hai bên bờ sông Hồng. Mục tiêu quy hoạch xây dựng hai bên tuyến Nhật Tân-Nội Bài nhằm tạo lập trục giao thông đô thị kiểu mẫu, hiện đại được chia thành 4 đoạn với phân khu chức năng đô thị cửa ngõ; đô thị quốc tế; đô thị biểu tượng, ven sông với các trung tâm tài chính, thương mại và dịch vụ quốc tế và đô thị sinh thái theo xu hướng đô thị nước gắn với khai thác tuyến du lịch ven sông Hồng. Nhu cầu vốn đầu tư xây dựng phát triển khu vực này rất lớn, riêng hệ thống hạ tầng khung và giải phóng mặt bằng cũng lên tới trên 33.000 tỷ đồng, nếu có cơ chế chính sách đặc thù phù hợp thì có thể huy động được sự tham gia của các thành phần xã hội…
Với tinh thần trách nhiệm cao cùng xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng các bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Giao Thông vận tải, Tài Chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nêu nhiều ý kiến xử lý 4 nhóm cơ chế chính sách đặc thù mà Hà Nội đề xuất liên quan đến xác định các dự án và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án phát triển đô thị phải thực sự có năng lực, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính; cơ chế vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung theo hướng giao nhà đầu tư các dự án thành phần ứng vốn đầu tư và được khấu trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp (khoảng 26.000 tỷ đồng); cơ chế vốn để giải phóng mặt bằng khoảng 11.000 tỷ đồng cũng như cơ chế xác định giá đất khi giao đất, cho thuê đất, trong đó xác định giá sàn quyền sử dụng đất sát với giá thị trường cũng như cơ chế ủy quyền thẩm định, phê duyệt các dự án phát triển đô thị và dự án hạ tầng khung.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nêu quan điểm: “Ủy quyền thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ mà có ủy quyền thì dù Bộ Xây dựng không tham gia trực tiếp thẩm định thì cũng đã tham gia phối hợp cùng làm rồi và trong đó còn có cả công cụ kiểm tra, thanh tra. Cho nên việc này Thủ tướng có thể ủy quyền cho Hà Nội để đẩy nhanh tốc độ thực hiện đô thị trục Nhật Tân-Nội Bài nhằm tạo ra một đô thị hiện đại đầu tiên ở Hà Nội…”.
Liên quan đến công tác tổ chức thực hiện phát triển khu vực đô thị trục Nhật Tân-Nội Bài, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nêu ý kiến: “Ngoài việc lập Ban chỉ đạo ra, chúng ta cần có Ban quản lý và ban này điều hành chặt chẽ tất cả khu vực này, tất cả các nhà thầu… mới liên kết với nhau được. Chỉ đạo cái này như ý kiến của Bộ trưởng Xây dựng tôi thấy rất cần thiết và nếu làm được như thế sẽ có chất lượng đô thị tốt hơn…”.
Nhiều thành viên Chính phủ đề nghị ưu tiên nguồn lực tập trung giải phóng mặt bằng trước còn đầu tư hạ tầng thì có thể phân kỳ dài hạn. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phân tích: “Giải phóng mặt bằng là việc làm trước. Cho nên không phải chỉ có chia ra mấy nghìn tỷ một năm đâu. Nếu các đồng chí làm như thế này thì có thể phải có ngay 11.000 tỷ đồng trong 1 đến 2 năm thôi thì mới được, chứ kéo ra 5-10 năm nữa, hạ tầng lên nữa thì giải phóng mặt bằng tốn kém lắm. Tôi nghĩ là các đồng chí tập trung lo giải phóng mặt bằng trước còn đầu tư hạ tầng có thể chia ra một vài năm…”.
Trên cơ sở Chính phủ cơ bản đồng ý chủ trương quy hoạch phát triển đô thị dọc hai bên tuyến đường Nhật Tân-Nội Bài, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu thành phố Hà Nội tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân-Nội Bài để phê duyệt theo thẩm quyền gắn với tăng cường quản lý chặt chẽ để sau 10-15 năm nữa khu vực này trở thành khu đô thị kiểu mẫu văn minh, hiện đại, xứng tầm với Thủ đô của một quốc gia với dân số 100 triệu dân. Thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ cùng với thành phố Hà Nội đầu tư phát triển thành công khu đô thị kiểu mẫu, hiện đại, văn minh này, Thủ tướng khẳng định: Chính phủ và các Bộ, ngành đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cụ thể những lĩnh vực mà luật pháp cho phép để Hà Nội tiếp tục năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm tập trung triển khai nhanh, hiệu quả đầu tư xây dựng và quản lý đô thị dọc hai bên tuyến đường Nhật Tân- Nội Bài.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Bây giờ chúng ta chủ động, Nhà nước đứng ra thu hồi đất, đền bù, tái định cư cho người dân đàng hoàng mà tinh thần là tái định cư tại chỗ, dân không đi đâu ra khỏi đây. Chúng ta thu hồi đất, tái định cư mới bài bản được. Trách nhiệm của Chính phủ, các bộ chức năng cùng với Hà Nội tính cho ra 11.000 tỷ này và tính toán bao nhiêu năm và nếu trong hai năm thì 11 nghìn tỷ này đền bù cho xong đã. Đền bù xong rồi tiến tới xây dựng hạ tầng khung thì phải đa dạng nguồn vốn từ ODA, ngân sách, hỗ trợ có mục tiêu, nguồn nào của địa phương hay nguồn nào BOT được... Thứ ba đi vào dự án sau khi đã đền bù, đã giải phóng mặt bằng và triển khai hạ tầng khung rồi thì nhà đầu tư nào vào làm cái gì cũng phải đa dạng hình thức, cái nào đấu thấu, cái nào lựa chọn nhà thầu, cái nào mời nhà đầu tư sợ họ không vào nữa như khoa học công nghệ thì phải có ưu đãi thì người ta mới vào còn thương mại thì phải đấu giá hoặc đưa ra tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư, không nên nói cứng mà phải mềm tùy theo từng dự án…” .
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường nhưng cũng phải linh hoạt tùy từng dự án trên cơ sở mục đích quy hoạch sử dụng đất. Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có ý kiến đối với việc phát triển đô thị ngoài đê sông Hồng; Bộ Quốc phòng sớm có ý kiến thống nhất chiều cao các công trình cao tầng được đề xuất trong quy hoạch của Hà Nội….
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực phấn đấu và những thành tựu kinh tế-xã hội phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực mà thành phố Hà Nội đạt được. Thủ tướng đề nghị lãnh đạo thành phố Hà Nội phát huy tối đa nội lực, tập trung chỉ đạo và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm nay, gắn với tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong nhiệm kỳ tới xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô.
Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường văn hóa và môi trường sống cho người dân; tháo gỡ cụ thể khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển gắn với đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm và thực hiện tốt “ Năm trật tự, văn minh đô thị 2015”…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nêu ý kiến giải quyết cụ thể một số kiến nghị của Hà Nội liên quan đến tỷ lệ điều tiết ngân sách, mức dư nợ huy động vốn, phát triển công nghiệp hỗ trợ và khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội, quỹ đất sau khi di rời các cơ quan để xây dựng hạ tầng xã hội cũng như tháo gỡ dứt điểm khó khăn trong cải tạo chung cư cũ…/.
Theo : VOV.VN