Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khi chủ trì Hội nghị đánh giá, triển khai phương hướng hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS trong năm 2014, diễn ra sáng 18/4 tại Bộ Xây dựng.
Thị trường tiếp tục diễn biến tích cực
Theo báo cáo đánh giá của Hội nghị, thời gian qua thị trường BĐS tiếp tục xu hướng tích cực hơn, giá cả hàng hóa BĐS nhìn chung tiếp tục giảm ở hầu hết các phân khúc thị trường, giúp lượng giao dịch tăng trở lại và thanh khoản của thị trường tốt hơn. Chính sách của Nhà nước đối với nhà ở và thị trường BĐS đã đạt được nhiều mục tiêu như giảm hàng tồn kho, từng bước khắc phục lệch pha cung-cầu, ổn định thị trường…
Tính đến đầu năm nay, lượng tồn kho nhà ở khoảng 94.458 tỉ đồng, trong đó căn hộ chung cư khoảng 20.000 căn, nhà thấp tầng 13.600 căn, đất nền nhà 10,8 triệu m2, đất nền thương mại 2 triệu m2. Đến đầu tháng 3/2014, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS đạt 266.728 tỉ đồng, tăng trưởng 1,8% so với cuối năm 2013.
Theo số liệu ước tính, tổng diện tích nhà ở tăng thêm trong năm 2013 khoảng 79 triệu m2 sàn (tại khu vực đô thị tăng khoảng 36,5 triệu m2 sàn; khu vực nông thôn tăng khoảng 42,5 triệu m2 sàn). Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc năm 2013 khoảng 19,6m2 sàn/người (khu vực đô thị khoảng 23,1m2 sàn/người; khu vực nông thôn khoảng 18m2 sàn/người).
Các chương trình hỗ trợ nhà ở tiếp tục được đôn đốc triển khai. Trong đó, hỗ trợ gần 1.000 tỉ đồng về chính sách nhà ở cho người có công (gần 15.000/71.000 trường hợp); hoàn thành trên 80% khối lượng xây dựng hạ tầng cụm, tuyến dân cư vượt lũ và hơn 19.000 hộ dân trong khu vực ngập lũ và sạt lở đã được di dời vào trong cụm tuyến; chương trình triển khai thí điểm hỗ trợ hộ nghèo xây dựng chòi phòng, tránh lũ lụt khu vực miền Trung; chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn đạt trên 530.000 hộ, đạt 107% so với kế hoạch ban đầu.
Tại các đô thị, nơi nhu cầu nhà ở lớn, cũng đã hoàn thành 98 dự án xã hội, trong đó có 35 dự án nhà thu nhập thấp với khoảng 18.950 căn hộ, 63 dự án nhà ở cho công nhân với 17.430 căn hộ. Hiện trên thị trường còn 129 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 90 dự án nhà thu nhập thấp với 55.000 căn hộ; 39 dự án nhà cho công nhân, hứa hẹn đảm bảo nguồn cung cho đối tượng người có nhu cầu nhà ở thực sự hiện nay.
Bên cạnh đó, các ý kiến đến từ Hiệp hội BĐS, Tổng hội Xây dựng, ngân hàng, các địa phương cũng phản ánh một số vấn đề còn khó khăn trong quản lý, điều tiết thị trường nhà ở, BĐS (lượng hàng tồn kho còn khá lớn, nhiều dự án xa trung tâm, thiếu hạ tầng đồng bộ vẫn không bán được hàng, giá cả nhà ở vẫn ở mức cao so với thu nhập người dân; DN đầu tư vẫn khó khăn về vốn vì lãi suất còn khá cao và khó tiếp cận vốn do chưa trả được nợ cũ…).
So với nhu cầu, nguồn cung nhà ở xã hội còn thiếu, đặc biệt là tại Hà Nội, TPHCM. Nguyên nhân chính là thiếu quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại vị trí thuận lợi, nhiều KCN chưa bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân. Tại Hà Nội, việc sử dụng quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội phần lớn không đúng mục đích, kiểm tra 11 dự án chỉ có 3 dự án triển khai xây dựng nhà ở xã hội; 3 dự án đã cho chuyển đổi sang xây dựng nhà ở tái định cư và 3 dự án cho phép chuyển đổi sang nhà ở thương mại hoặc đấu giá quyền sử dụng đất.
Một số cơ chế ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (như hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án và hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương...) chưa được quan tâm đúng mức; mức độ ưu đãi phụ thuộc vào điều kiện của từng địa phương nên chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở loại này.
Ưu tiên trước hết cho nhà ở bình dân
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng các diễn biến tích cực hơn của thị trường nhà ở, BĐS thời gian qua trong điều kiện kinh tế vĩ mô được cải thiện, nhiều cơ chế tài chính, thuế mới được thi hành cùng với các gói hỗ trợ tín dụng cho người thu nhập thấp, người nghèo… hứa hẹn những khởi sắc mới trên thị trường nhà ở, BĐS.
“Hơn 36.000 hộ dân thuộc diện chính sách, 145.000 công nhân có nhà ở mới trong thời gian qua là con số có ý nghĩa lớn trong thời điểm khó khăn hiện nay, vừa đáp ứng nhu cầu thực về chỗ ở của người dân, vừa là kết quả đáng ghi nhận của chính sách quản lý thị trường BĐS nhiều khó khăn hiện nay”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng quán triệt thời gian tới, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo và các đơn vị liên quan tập trung vào việc lo đủ nhà cho người dân thực sự có nhu cầu, đặc biệt là chỗ ở tốt hơn cho người nghèo, gia đình chính sách, vùng khó khăn, ngập lũ… Vì vậy, các địa phương tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp Thủ tướng đã giao tại Chỉ thị 2196/2011/CT-TTg về tăng cường quản lý thị trường BĐS, trong đó khẩn trương rà soát các dự án trên địa bàn để phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, những dự án cần phải điều chỉnh, chuyển đổi cho phù hợp với nhu cầu thị trường.
Đặc biệt, hạn chế cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới trong thời gian trước mắt. “Nguồn tín dụng nên để dành cho việc “gỡ” hàng tồn kho, phân khúc nhà phục vụ cho các đối tượng chính sách, người thu nhập thấp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Các chính sách, nhiệm vụ này bao gồm đẩy mạnh điều chỉnh về cơ cấu sản phẩm, nguồn cung sản phẩm hướng vào phân khúc bình dân, diện tích vừa và nhỏ, giá bán phù hợp với đa số người tiêu dùng, nhà ở công nhân, sinh viên, nhà cho thuê. Đôn đốc, đưa ra nhiều hơn nữa cung hàng hóa thuộc phân khúc này, đồng thời, xem xét tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án nhà ở thương mại có nhu cầu điều chỉnh cơ cấu căn hộ, hoặc chuyển sang xây dựng nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho vay đối với các đối tượng được vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP, đồng thời nghiên cứu ban hành tiêu chí, trình tự thủ tục cho vay gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỉ đồng để áp dụng thống nhất trong các ngân hàng được giao thực hiện gói tín dụng này.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng chính sách tín dụng riêng, căn cơ, lâu dài cho nhà ở xã hội, thay vì các gói tín dụng có tính thời điểm hiện nay, đồng thời chỉ đạo các giải pháp, cơ chế liên quan đến đất đai, tín dụng nhằm tạo thuận lợi hơn cho các dự án có tính khả thi cao, phù hợp với nhu cầu nhà ở của người dân có nhu cầu ở thực sự.
Theo : chinhphu.vn