Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay đã có 185 xã đạt 19 tiêu chí; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân cả nước tăng từ 4,7 tiêu chí/xã năm 2011 lên 8,47 tiêu chí/xã năm 2014; có 93,1% số xã hoàn thành quy hoạch chung; 81% số xã phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới; có khoảng trên 9.000 mô hình sản xuất có hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân, bao gồm: mô hình sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị có ứng dụng công nghệ cao, cánh đồng lớn, gắn sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân; thu nhập của dân cư nông thôn năm 2013 tăng hơn 1,8 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn đến hết 2013 là 12,6%, giảm bình quân 2% năm trong thời điểm kinh tế khó khăn.
Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới và phương thức tổ chức mô hình sản xuất trong nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp đang có xu hướng chậm lại; sản xuất nông nghiệp chậm phát triển theo hướng hiện đại, thiếu tính bền vững; quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa gắn được sản xuất với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu...
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp
Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, tăng sản lượng và giá trị để tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống nông dân trong điều kiện đất đai có hạn, dân số tăng lên. Hết sức chú trọng đến việc nghiên cứu sử dụng giống cây, giống con; biện pháp tưới tiêu, canh tác mới, giảm tổn thất sau thu hoạch…, có cơ chế chính sách đặc thù để khuyến khích các nhà khoa học tạo ra những đột phá trong nghiên cứu giống mới có giá trị cao.
Đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất mới phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất, thúc đẩy mạnh mẽ việc liên kết, hợp tác, hình thành các mô hình tổ chức phù hợp yêu cầu điều kiện cụ thể, hình thành chuỗi sản xuất tiên tiến để giảm chi phí, hạ giá thành, tăng giá trị. Quy hoạch nông thôn mới cần chú trọng tính liên kết, bảo đảm thống nhất với quy hoạch xây dựng liên vùng và các quy hoạch chuyên ngành khác để có thể phát triển và khai thác đồng bộ kết cấu hạ tầng, đáp ứng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn.
Bên cạnh đó có chính sách đủ mạnh, đủ khả năng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp thu dụng nhiều lao động nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn.
Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần huy động các nguồn vốn, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn. Nâng cấp các công trình hiện có, sớm đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu (giao thông, thủy lợi, điện, nước, viễn thông …) trên địa bàn các xã; việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa, chợ nông thôn, nghĩa trang… cần xem xét kỹ về tính thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí. Trong quá trình thực hiện cần hết sức lưu ý việc huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân phải cân nhắc, đảm bảo vừa sức dân; tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc.
Chú trọng tạo việc làm cho lao động nông thôn theo cả 2 hướng, ưu tiên đào tạo tại chỗ bỗi dưỡng kiến thức, kỹ năng để nâng cao năng suất chất lượng công việc của người lao động đang làm; và đào tạo ngành nghề mới để người lao động có thể chuyển sang ngành nghề khác. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc chủ động đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động làm việc cho doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tiếp tục tập trung làm tốt công tác giảm nghèo, chú trọng nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, gắn với việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn.
Theo : chinhphu.vn