Dự án khu chức năng đô thị Royal City, do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển địa ốc Thành phố Hoàng Gia làm chủ đầu tư, là một trong 200 dự án phát triển nhà ở trên địa bàn chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong thực hiện đầu tư.
Tại buổi kiểm tra ngày 3/6 của các cơ quan chức năng Hà Nội, chủ đầu tư cho biết Dự án Khu chức năng đô thị-tổ hợp văn phòng-trung tâm thương mại, giáo dục và căn hộ Royal City được khởi công xây dựng từ tháng 1/2010 và dự kiến hoàn thành đồng bộ vào quý 4/2015.
Tổng quy mô sử dụng đất của dự án là 120.942m2, bố trí 6 công trình nhà ở cao tầng (cao từ 17-36 tầng) và 5 tầng hầm. Sau gần 3 năm tập trung nguồn lực, nhân lực triển khai thực hiện, đến nay, chủ đầu tư đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 5 công trình nhà ở cao tầng với khoảng 4.000 căn hộ (đạt 90% kế hoạch), còn một công trình đã hoàn thiện xong mặt ngoài.
Riêng các công trình hạ tầng xã hội, dự án đã đưa vào sử dụng một trường tiểu học, một trường trung học cơ sở và một trường mầm non phục vụ cư dân khu đô thị và khu vực lân cận.
Theo đánh giá của các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương, dự án đã chấp hành đúng các chỉ tiêu về quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng và là một những dự án kiểu mẫu của thành phố Hà Nội, với trung tâm thương mại lớn ngang tầm quốc tế.
Với phương châm “Đồng hành cùng cư dân,” chủ đầu tư đã và đang chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tìm các giải pháp tốt nhất để phục vụ người dân, đồng thời tiến hành các thủ tục đăng ký cấp “sổ đỏ” cho các hộ dân.
Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định xong gần 240 hồ sơ và cấp được 20 “sổ đỏ” đầu tiên.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, từ năm 2007 đến nay, đã thẩm tra, trình ủy ban nhân dân thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 200 dự án khu đô thị mới và nhà ở.
Trong số này, có 19 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng; 99 dự án chậm so với tiến độ đã duyệt; 17 dự án cần tiếp tục kiểm tra, rà soát; 36 dự án chưa đến thời điểm hoàn thành dự án.
Qua kiểm tra thực tế cho thấy, công tác quản lý phát triển nhà ở thời gian qua dần đi vào nề nếp, cơ chế quản lý đang dần hoàn thiện, song đôi khi còn thiếu vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước dẫn đến việc quản lý phát triển nhà ở chưa đáp ứng được yêu cầu của thành phố đề ra. Một số dự án chưa đáp ứng kịp thời hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội dẫn đến việc khiếu kiện xảy ra ở một số nơi.
Bên cạnh đó, do việc nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch và ảnh hưởng suy thoái kinh tế nên việc triển khai dự án chậm, kéo dài. Cơ chế chính sách còn chưa hoàn thiện hoặc thiếu đồng bộ dẫn đến thủ tục hành chính còn nhiều, một số trùng lặp dẫn đến việc cần phải lấy ý kiến liên thông nhiều lần đối với từng thủ tục của cùng một dự án (chẳng hạn như thủ tục xác định nhà đầu tư, cấp giấy phép quy hoạch, cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận dự án).
Công tác theo dõi tổng hợp, quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới, nhà ở thương mại còn rất phức tạp, thuộc trách nhiệm của nhiều sở, ngành, địa phương. Đặc biệt, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở của hầu hết các dự án còn chậm, nhiều hộ gia đình về ở 4-5 năm vẫn chưa có “sổ đỏ.”
Để khắc phục những khó khăn, tồn tại trong lĩnh vực đầu tư phát triển nhà ở, các ngành chức năng của thành phố Hà Nội kiến nghị các cơ quan trung ương nghiên cứu sửa đổi, điều chỉnh các quy định về nhà ở theo nguyên tắc đảm bảo thống nhất trong công tác quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý ngành…; giảm bớt các thủ tục hành chính nhưng cũng cần tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được đảm bảo về quyền và lợi ích chính đáng.
Hiện vẫn chưa có quy định về chuyển nhượng một phần dự án, về việc xác định chủ đầu tư thứ phát trong khu đô thị khiến nhiều chủ đầu tư không triển khai được các thủ tục tiếp theo trong qúa trình đầu tư, xây dựng và kinh doanh.
Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục rà soát, xác lập cụ thể danh mục các dự án phát triển nhà ở, các sở, ngành đánh giá cụ thể tính khả thi của dự án theo tiến độ được duyệt và có giải pháp, biện pháp xử lý đối với từng nhóm dự án đã phân loại. Đồng thời, kiểm tra, rà soát năng lực của chủ đầu tư dự án, công tác huy động vốn của chủ đầu tư để làm cơ sở đánh giá thực trạng đầu tư, nguồn lực; cảnh báo và giảm thiểu các rủi ro trong đầu tư phát triển nhà ở./.
Theo TTXVN