Phạm vi quy hoạch gồm toàn bộ diện tích lưu vực sông Cầu (khoảng 6.030 km2) thuộc ranh giới hành chính của các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương và một phần thành phố Hà Nội (huyện Mê Linh), Sóc Sơn, Đông Anh).
Về quy hoạch tiêu thoát nước vùng, lưu vực sông Cầu được chia thành 15 vùng tiêu bao gồm: 4 khu tiêu tự chảy miền núi bao gồm Thượng Thác Huống, Thượng Núi Cốc, Thượng Sông Thương và Sông Lục Nam; 11 khu tiêu kết hợp tiêu tự chảy và tiêu động lực cho một số vùng có địa hình thấp hơn mực nước sông trong mùa lũ.
Giải pháp tiêu thoát nước cho các khu vực nêu trên là tích nước bằng hệ thống hồ điều hòa, hồ cảnh quan trong lưu vực, tăng cường chế độ tiêu tự chảy, giảm thiểu chi phí đầu tư, quản lý hệ thống công trình đầu mối tiêu động lực, cải thiện môi trường sinh thái và góp phần tạo dựng mỹ quan đô thị; hạn chế chuyển đổi diện tích mặt nước hiện có sang mục đích sử dụng khác nhau...
Về quy hoạch thoát nước thải đô thị, khu công nghiệp, đối với các đô thị loại III trở lên đang sử dụng mạng lưới thoát nước chung thì xây dựng hệ thống cống bao, giếng tách để đưa nước thải về nhà máy xử lý.
Còn đối với các đô thị mới, đô thị loại IV, loại V xây dựng hệ thống thoát nước riêng, thu gom xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra hệ thống sông trong khu vực.
Các khu công nghiệp phải xây dựng hệ thống thoát nước riêng, thu gom xử lý tập trung đạt quy chuẩn trước khi xả ra hệ thống sông trong khu vực.
Lưu vực sông Cầu là khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh. Toàn lưu vực có khoảng 2.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, 200 làng nghề nhưng hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là hệ thống thoát nước và xử lý nước thải còn hạn chế, là một trong những yếu tố dẫn đến ô nhiễm nguồn nước. |
Dự kiến xây dựng 28 nhà máy xử lý nước thải cho các đô thị thuộc phạm vi lưu vực sông Cầu, trong đó xây dựng tại thị xã Bắc Kạn 2 nhà máy; thành phố Thái Nguyên 4 nhà máy; đô thị Vĩnh Phúc 5 nhà máy; thành phố Bắc Giang 3 nhà máy; thành phố Bắc Ninh 2 nhà máy; thành phố Hải Dương 3 nhà máy; thành phố Hà Nội (Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn) 9 nhà máy.
Căn cứ vào điều kiện cụ thể, các địa phương lựa chọn công nghệ và thiết bị xử lý nước thải cho phù hợp; ưu tiên công nghệ và thiết bị hiện đại, chất lượng cao, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; khuyến khích sử dụng thiết bị công nghệ sản xuất trong nước.
Ước tính vốn đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước (bao gồm hệ thống thoát nước mưa, nước thải, trạm xử lý nước thải) trong phạm vi lưu vực sông Cầu đến năm 2020 khoảng 30.100 tỷ đồng, năm 2030 khoảng 43.700 tỷ đồng.
Theo : chinhphu.vn