Theo Quyết định này, Ban Chỉ đạo về phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp có 12 thành viên. Trong đó Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh làm Phó Trưởng Ban; 1 Ủy viên thường trực và 9 ủy viên là lãnh đạo các Bộ, ngành: Văn phòng Chính phủ; Nội vụ; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường,...
Hoạt động của Ban Chỉ nhằm nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan tới hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các mô hình tương tự.
Theo nội dung nêu trong quyết định, Trưởng Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ: Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo. Đồng thời, điều hành, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; triệu tập, chủ trì các cuộc họp; điều động, trưng tập chuyên gia phục vụ cho hoạt động của Ban Chỉ đạo,…
Phó Trưởng Ban chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành các hoạt động, triển khai các nhiệm vụ quyền hạn của Ban Chỉ đạo. Đồng thời, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành các hoạt động của Ban khi Trưởng ban vắng mặt hoặc ủy quyền; chủ trì các cuộc họp của Ban Chỉ đạo theo sự ủy nhiệm của Trưởng Ban Chỉ đạo.
Bên cạnh đó, quyết định còn giao nhiệm vụ cụ thể cho Thường trực Ban Chỉ đạo. Theo đó, Thường trực có nhiệm vụ báo cáo Lãnh đạo Ban Chỉ đạo các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách chung. Trên cơ sở đó, đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp và các mô hình tương tự.
Thường trực Ban chỉ đạo còn thực hiện nhiệm vụ báo cáo Lãnh đạo Ban Chỉ đạo các biện pháp hỗ trợ hoạt động của các dự án đã đầu tư và thúc đẩy các dự án dự kiến đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp và các mô hình tương tự,…
Đồng thời, quy chế còn giao nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo là tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo các vấn đề liên quan tới lĩnh vực phụ trách của Bộ, ngành nơi công tác. Các ủy viên còn phải tham gia đầy đủ các hoạt động của Ban Chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban chỉ đạo về những nhiệm vụ được phân công,…
Cụ thể, Bộ Tài chính có nhiệm vụ tham mưu giải quyết các vướng mắc về thuế, tài chính, ưu đãi tài chính; Bộ Công Thương tham mưu giải pháp quy hoạch ngành sản xuất hợp lý trong khu kinh tế, khu công nghiệp; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu các cơ chế, chính sách, công tác đào tạo nghề, giải pháp tạo việc làm, bảo đảm điều kiện làm việc, sinh sống của người lao động, giải quyết tranh chấp lao động,…
Theo : chinhphu.vn