Thạch cao là nguyên liệu dùng trong sản xuất xi măng, các loại vật liệu mới như tấm tường, tấm trần thạch cao, bê tông khí chưng áp và một số ngành công nghiệp khác. Do không có nguồn thạch cao thiên nhiên, Việt Nam phải nhập thạch cao từ Lào, Thái Lan, Trung Quốc....Dự kiến năm 2011 nhập khoảng 3 triệu tấn và năm 2020 nhập trên 5 triệu tấn. Trên thế giới, để giải quyết nguồn thạch cao cho sản xuất và bảo vệ môi trường, nhiều nước đã thành công trong việc tận thu và sử dụng thạch cao nhân tạo từ khí thải nhà máy nhiệt điện và từ nhà máy hoá chất sản xuất phân bón, mà Hàn Quốc là một ví dụ điển hình. Hiện nay, ngành năng lượng Việt Nam đã và đang đầu tư xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện dùng than; ngành công nghiệp hoá chất sản xuất phân bón phục vụ nông nghiệp cũng phát triển mạnh. Có một thực tế là nhiều nhà máy nhiệt điện có lắp hệ thống khử SO2 nhưng theo công nghệ cũ, không những không thu hồi được thạch cao chất lượng cao để sử dụng mà còn tạo ra loại phế thải khác gây ô nhiễm môi trường.
Thực tiễn trên cho thấy Việt Nam cần và có điều kiện ứng dụng công nghệ FGD tận thu nguồn thạch cao nhân tạo để thay thế nhập khẩu và bảo vệ môi trường.
Được sự cho phép của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 11/10/2011, tại Hà Nội, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo Quốc tế:
“Tận thu thạch cao nhân tạo từ nhà máy nhiệt điện và nhà máy hoá chất để sản xuất vật liệu xây dựng và bảo vệ môi trường”.
Muc đích của Hội thảo:
- Giới thiệu công nghệ, thiết bị và kinh nghiệm Quốc tế trong lĩnh vực tận thu thạch cao từ khí thải nhà máy nhiệt điện và nhà máy hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất VLXD và bảo vệ môi trường sinh thái khu vực nhà máy; Sự cần thiết và khả năng ứng dụng công nghệ tận thu thạch cao tại Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững.
- Tập hợp ý kiến các bộ, ngành, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các nhà đầu tư, các học giả và các doanh nghiệp tham dự hội thảo; Báo cáo các cấp có thẩm quyền và đề xuất các giải pháp.
Hội thảo dự kiến sẽ vinh dự đón tiếp lãnh đạo của Chính phủ và các bộ: Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hội thảo là nơi gặp gỡ giao lưu trực tiếp của gần 150 đại biểu gồm: các nhà quản lý và hoạch định chính sách thuộc các bộ ngành trung ương và địa phương, các Sở Xây dựng, Sở Công thương, Sở Tài nguyên & Môi trường một số tỉnh, thành phố; các nhà đầu tư trong nước và quốc tế; các Tập đoàn: Điện lực VN, Dầu khí VN, CN Than-Khoáng sản VN, Công nghiệp Xây dựng Việt Nam; các Tổng công ty: Công nghiệp Xi măng VN, Tư vấn Xây dựng VN, VLXD số 1, Vinaconex...; Tổng cục Địa chất - Khoáng sản, Cục Kiểm soát Môi trường, Cục Quản lý Chất thải...; các nhà máy: nhiệt điện, hoá chất phân bón, sản xuất xi măng, sản phẩm thạch cao, bê tông khí; một số Hội, Hiệp hội chuyên ngành; các Viện Nghiên cứu; Đài Phát thanh truyền hình và báo giới...
Các báo cáo dự kiến sẽ được trình bày tại Hội thảo:
1- Tổng quan Quy hoạch Điện VII: Quy hoạch phát triển các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam đến năm 2030. Hiện trạng và vấn đề xử lý môi trường (Bộ Công thương)
2- Giới thiệu, đánh giá kết quả điều tra, khảo sát về thu hồi thạch cao, tro xỉ một số nhà máy nhiệt điện dùng than và nhà máy hoá chất phân bón (Hội VLXDVN)
3- Chính sách xử lý phế thải công nghiệp các nhà máy nhiệt điện dùng than và nhà máy hóa chất để sản xuất VLXD và yêu cầu bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường)
4- Yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm thạch cao nhân tạo dùng cho sản xuất VLXD - làm phụ gia cho xi măng và sản xuất tấm thạch cao. (Holcim Việt Nam- Thuỵ Sỹ)
5- Giới thiệu chính sách và kinh nghiệm tận thu và sử dụng thạch cao nhân tạo FGD từ khí thải nhà máy nhiệt điện tại Hàn Quốc (Công ty Lafarge Korea)
6- Giới thiệu công nghệ, thiết bị hệ thống FGD (Công ty Cottrell Korea)
7- Sử dụng thạch cao nhân tạo làm nguyên liệu sản xuất sản phẩm tấm tường, tấm trần thạch cao- Giải pháp tiết kiệm năng lượng, chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường (Lafarge Boral Gypsum Việt Nam - Pháp)
8- Kinh nghiệm sử dụng thạch cao nhân tạo sản xuất sản phẩm thạch cao của St-Gobain tại một số nước. Giới thiệu đặc tính kỹ thuật vượt trội của sản phẩm tấm tường, tấm trần thạch cao và hiệu quả sử dụng trong kiến trúc xây dựng (Công ty TNHH VLXD St-Gobain VN- Pháp)
9- Giới thiệu kinh nghiệm tận thu và sử dụng thạch cao nhân tạo từ nhà máy phân bón hoá chất tại Hàn Quốc (Chuyên gia Hàn Quốc).
Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam trân trọng kính mời Quý cơ quan/đơn vị/doanh nghiệp đăng ký tham dự Hội thảo theo Mẫu gửi kèm theo công văn và gửi Bản Đăng ký về Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, trước ngày 20/9/2011, theo địa chỉ:
HỘI VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM
Ngõ 235, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội;
ĐT: 04 3 8584949; Fax: 04 3 557 6902;
Email: hoivlxdvn@fpt.vn hoặc nhuonghoangvan@gmail.com
Ban Tổ chức sẽ chuẩn bị tài liệu Hội thảo và gửi giấy mời, chương trình tới Quý vị theo danh sách đăng ký .
Để có thêm thông tin chi tiết xin liên hệ:
- Đ/c Nguyễn Thị Minh Phương - Trưởng ban Đối ngoại (mob. 0989129229)
- Đ/c Hoàng Văn Nhượng - Chánh Văn phòng Hội (mob. 0988080143).
Trân trọng cám ơn./.
Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam