Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 và Luật sửa đổi số 38/2009/QH12, công tác đấu thầu đã được kết quả nhất định. Chương trình tăng cường phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương kết hợp với công tác hậu kiểm trong lĩnh vực đấu thầu được quán triệt và triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từng bước khắc phục việc đấu thầu hình thức hoặc các hình thức đấu thầu kém cạnh tranh...
Việc thực hiện quy định về đấu thầu đã góp phần quan trọng trong việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Nhà nước, tăng cường minh bạch, cạnh tranh công tác đấu thầu, từ đó nâng cao chất lượng công trình, thiết bị mua sắm và dịch vụ tư vấn.
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động công tác đấu thầu năm 2010 vừa qua còn một số tồn tại như: Cơ chế, chính sách liên quan đến đấu thầu được ban hành và hướng dẫn chưa kịp thời; năng lực của chủ đầu tư, bên mời thầu, các tổ chức tư vấn ở một số địa phương còn hạn chế; công tác đào tạo chưa được triển khai toàn diện; chất lượng của một số công việc chuẩn bị cho đấu thầu như công tác lập, trình, phê duyệt kế hoạch đấu thầu chưa bảo đảm và chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, chuyên nghiệp.
Xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định về đấu thầu
Để khắc phục tình trạng trên, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, hiệu quả công tác đấu thầu đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị của doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc tổ chức nghiên cứu, quán triệt, thực hiện đúng quy định của Luật Đấu thầu, Luật sửa đổi, Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 về hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác đấu thầu của các Bộ, ngành có liên quan.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về đấu thầu và chấp hành nghiêm túc chế độ xử lý vi phạm về đấu thầu; kịp thời kiểm điểm, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật về đấu thầu.
Thủ tướng Chính phủ yeu cầu phải nghiêm túc thực hiện các quy định về chỉ định thầu được quy định tại Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Nghị định số 85/2009/NĐ-CP. Những gói thầu không thuộc trường hợp được chỉ định thầu cần được tổ chức đấu thầu rộng rãi hoặc các hình thức khác phù hợp theo quy định.
Kiểm tra, rà soát điều kiện và năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án
Chỉ thị của Thủ tướng cũng nêu rõ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chủ đầu tư, bên mời thầu các dự án sử dụng vốn nhà nước, các cơ quan, đơn vị tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu sử dụng vốn nhà nước theo quy định của pháp luật về đấu thầu nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 494/CT-TTg ngày 20/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án sử dụng vốn nhà nước.
Bên cạnh đó, chỉ đạo tăng cường đào tạo năng lực cho chủ đầu tư, bên mời thầu để đảm bảo thực hiện tốt việc phân cấp trong đầu tư xây dựng cơ bản; thực hiện kiểm tra, rà soát điều kiện và năng lực của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án. Nếu không đáp ứng yêu cầu theo quy định thì không giao quản lý dự án hoặc chuyển đổi chủ đầu tư đủ điều kiện năng lực đảm nhiệm.
Tăng cường công tác quản lý đấu thầu theo trách nhiệm được phân công. Chấn chỉnh và củng cố đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về đấu thầu, bảo đảm thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về đấu thầu tại các Bộ, ngành và địa phương theo phân cấp.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát để phát hiện và yêu cầu xử lý kịp thời những vi phạm trong công tác đấu thầu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xử lý nghiêm minh đối với việc vi phạm pháp luật về đấu thầu trong trường hợp cần thiết.